Ông lớn Điện gió của Đức đổ bộ vào Việt Nam

Tường Thụy

03/08/2021 10:33

Với quyết tâm không thể đứng ngoài cuộc chơi có tên Việt Nam, công ty năng lượng tái tạo WPD của Đức (một trong những nước hàng đầu châu Âu về điện gió) đã nhảy vào thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển không ngừng ở Việt Nam thông qua quan hệ đối tác với 1 doanh nghiệp Singapore.

Thị trường này đang rất nóng với nhiều tên tuổi lớn từ nước ngoài vì Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi xanh cho nền kinh tế, giảm thiểu khí thải carbon và tăng cường lượng cung năng lượng tái tạo để có thể phát triển bền vững hơn.

dien-gio-chau-auv4-1627961342.jpg
Một dự án điện gió trên biển ở châu Âu.

Trong bối cảnh đó, WPD không lập dự án mới hoàn toàn mà chọn một dự án đã được quy hoạch: điện gió Kon Plông (huyện Kon Plông, Kon Tum) với tổng công suất 103,5 MW. Công ty Levanta Renewables của Singapore đã triển khai lập dự án này từ năm 2018 nhưng công suất thiết kế chỉ 49,9 MW, chưa tới nửa công suất thiết kế điều chỉnh mới nhất.

Cả WPD và Levanta không công bố chi phí từ WPD để tham gia dự án nhằm bảo đảm quá trình phát triển liên tục ở cả hai giai đoạn. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào năm 2022 và nằm trong “Quy hoạch phát triển điện VII” của Chính phủ, nghĩa là được hỗ trợ từ Chính phủ trong quá trình thực hiện.

Đổ bộ vào Việt Nam thông qua một dự án điện gió ở đất liền (Kon Tum là tỉnh thuộc Tây Nguyên) nhưng WPD cho biết họ sẽ tập trung vào phát triển các dự án thông điện gió cả trên đất liền và trên biển (onshore and offshore).

“Việc tham gia thị trường Việt Nam nằm trong chiến lược mở rộng hoạt động của chúng tôi tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Dự án Kon Plông và hợp tác thuận lợi với Levanta sẽ cho phép chúng tôi mở rộng quy mô hơn nữa”, ông Hans-Christoph Brumberg, Trưởng bộ phận Phát triển Kinh doanh Châu Á - Thái Bình Dương APAC của WPD cho biết.

Việc Việt Nam đưa ra được chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là một bước tiến rất lớn của đất nước trong câu chuyện hài hòa hóa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường cũng như đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm phát thải nhà kính chống sự nóng lên toàn cầu. Vì vậy, nhiều tổ chức quốc tế và các công ty đa quốc gia đang tham gia mạnh và sâu hơn vào thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhất là điện gió và điện mặt trời.

Trong số các nước châu Âu, nổi bật là các tập đoàn Đức và Đan Mạch với các dự án quy mô lớn nhờ lợi thế kinh nghiệm và công nghệ. Tiêu biểu là dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận) với vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỉ USD và công suất “khủng” 3,5 GW. Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) đang cùng thực hiện dự án với 2 nhà đầu tư khác là Asiapetro và Novasia.

Tường Thụy