Nông nghiệp Việt Nam: 10 năm nhìn lại

tamvu

18/12/2018 11:16

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn Tạp chí Nhà Quản Lý bên lề sự kiện Diễn đàn Kinh tế xanh 2018.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban kinh tế Trung ương - Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban kinh tế Trung ương - Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý


Tạp chí Nhà Quản Lý: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26), xin ông cho biết đâu là những thành tựu chính đã đạt được? Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất rút ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 là gì?

Nguyễn Văn Tiến: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Ban chấp hành TW Đảng, các mục tiêu và 8 nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết đã được triển khai khá đồng bộ và đạt kết quả tích cực.

Có thể nói tóm tắt, về nông nghiệp, đã phát triển theo hướng nông nghiệp hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, để phát triển một nền nông nghiệp có đầy đủ chức năng, cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho người dân; các sản phẩm cho công nghiệp, phục vụ phát triển nông nghiệp sinh thái và đảm bảo môi trường.

Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; quy mô GDP ngành năm 2017 gấp 1,25 lần, GTSX ngành gấp 1,37 lần năm 2008 (tính theo giá cố định năm 2010).

Nông thôn đổi mới, khang trang hơn, sạch đẹp hơn và nhiều vùng quê đã thay đổi nhanh chóng và đời sống của người dân nông thôn được cải thiện. Hiện đời sống của người dân nông thôn sau 10 năm đã tăng 3,46 lần.

Bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra đó là phải có chủ trương đúng, được sự đồng thuận của người dân. Thứ hai, sự tổ chức quyết liệt của chính quyền các cấp. Thứ ba, sự vào cuộc của người dân, nông thôn và toàn xã hội. Đó là những yếu tố tạo nên một Nghị quyết 26 được đánh giá là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất và đạt được nhiều thành tích lớn trong 10 năm vừa qua trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nguồn: Bài trình bày của ông Nguyễn Văn Tiến tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế xanh 2018
Nguồn: Bài trình bày của ông Nguyễn Văn Tiến tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế xanh 2018


Tạp chí Nhà Quản Lý:
So sánh với 10 năm trước, đâu là những điểm thay đổi căn bản của ngành nông nghiệp Việt Nam?

Nguyễn Văn Tiến: So với 10 năm trước, khi chúng ta bắt đầu hội nhập WTO, nền nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá. Điều này thể hiện qua giá trị xuất khẩu nông sản tăng nhanh. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt trên 36 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với năm 2008. Nền nông nghiệp đã phát huy được lợi thế so sánh, để sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao. Trong nội bộ ngành thì chuyển mạnh sang sản xuất thuỷ sản, lâm nghiệp và rau quả, là những ngành mà trong những năm vừa qua đã phát triển khá nhanh.

Tạp chí Nhà Quản Lý:
Nông nghiệp công nghệ cao được nhắc đến nhiều thời gian gần đây như chiếc "chìa khoá" để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về mức độ ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay và trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực châu Á? Đâu là những nhóm ngành tiên phong trong nông nghiệp mà ông đánh giá cao về việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh?

Nguyễn Văn Tiến: Khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực là chìa khoá để phát triển nông nghiệp trong cả quá khứ lẫn giai đoạn sắp tới. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Bộ khoa học công nghệ, giá trị đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp là khoảng 30%.

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chúng ta vẫn còn một khoảng cách so với các nước trong khu vực, nhất là với Singapore. Trong khi chiến lược chấn hưng nông thôn của Trung Quốc đề ra đến 2022, tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ đến 61,5%. Như vậy, đối với Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2030, để theo kịp các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam cần phải có giải pháp và định hướng đâu tư khoa học công nghệ tốt hơn.

Tạp chí Nhà Quản Lý:
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế bằng các hiệp định thương mại tự do (FTAs) song phương và đa phương, mà gần nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội thông qua ngày 12.11.2018. Ngành nông nghiệp cần làm gì để tận dụng cơ hội từ sự mở cửa hội nhập này, thưa ông?

Nguyễn Văn Tiến:
Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định CPTPP cũng vừa được Quốc hội thông qua (ngày 12.11.2018). Ngoài những tác nhân về chủ trương chính sách đổi mới, Hội nhập quốc tế, phát triển thị trường nông sản là một trong những yếu tố quan trọng. Chúng ta tận dụng các cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, đồng thời để chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và tận dụng vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tới.

Tạp chí Nhà Quản Lý: Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Nông nghiệp là ngành chịu nhiều tác động từ thương mại. Theo ông, nên coi đây là cơ hội hay thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng? Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên hành động như thế nào để thích nghi với bối cảnh mới của những xung đột thương mại xuất hiện, nhưng toàn cầu hoá vẫn là xu hướng chủ đạo?

Nguyễn Văn Tiến: Xung đột thương mại Mỹ - Trung vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho nông nghiệp Việt Nam. Cơ hội đến do hàng hoá từ Trung Quốc vào Mỹ và từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ có giá thành cao hơn. Đó là cơ hội đối với nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á để tránh đánh thuế. Đó là cơ hội đối với Việt Nam.

Ngược lại, thách thức cũng khá lớn, nếu chúng ta không có những kiểm soát, thì hàng hoá từ phía Trung Quốc, vào Việt Nam sẽ đẩy nhập siêu của Việt Nam cao hơn những giai đoạn trước.

Tạp chí Nhà Quản Lý: Xin ông cho biết, vai trò của chuỗi giá trị nông nghiệp cần được nhìn nhận như thế nào trong bối cảnh hiện tại của xu hướng toàn cầu hoá và sự trỗi dậy của công nghệ? Xây dựng thành công chuỗi giá trị cho nông nghiệp Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững?

Nguyễn Văn Tiến: Chuỗi giá trị là một xu thế phát triển bền vững trong cả nền kinh tế và nền nông nghiệp. Trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết hiện nay, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình hiện đại hoá ngành nông nghiệp, chuỗi giá trị là lõi của liên kết và đảm bảo cho liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp bền vững. Thứ hai, trên nền tảng của chuỗi giá trị, vốn đầu tư vào khoa học công nghệ và công tác quản lý sẽ hoàn thiện hơn, nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển bền vững, tránh được hiện hiện tượng được mùa mất giá và thất thu trong ngành.

Tạp chí Nhà Quản Lý:
Ông kỳ vọng viễn cảnh nào sẽ đến với ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới?

Nguyễn Văn Tiến:
Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển nông nghiệp, với 82% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp, 40,3% lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp, 65% dân cư sống ở nông thôn. Đó là tiềm năng phát triển rất lớn để phát triển nông nghiệp cùng với lợi thế về khí hậu với những vùng tiểu khí hậu giúp phát triển nhiều sản phẩm đa dạng, phát triển sản phẩm chủ lực của quốc gia, tỉnh và địa phương.

Với những chính sách trong 10 năm qua và những quyết sách trong giai đoạn tới, từ năm 2018 đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 tập trung cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá với trọng tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo, nông nghiệp Việt Nam có thể tiến nhanh hơn đến quá trình hiện đại hoá và phát huy được lợi thế so sánh để phát triển nền nông nghiệp đa chức năng.

Chúng ta có nhiều điều kiện xuất khẩu nông sản, cùng với xây dựng chuỗi giá trị và đẩy mạnh logistics, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đứng trong Top 15 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, đồng thời đảm bảo được an ninh lương thực trong nước và người dân được hưởng những sản phẩm nông nghiệp sạch.

Tạp chí Nhà Quản Lý:
Xin cảm ơn ông.

tamvu
Bạn đang đọc bài viết "Nông nghiệp Việt Nam: 10 năm nhìn lại" tại chuyên mục Khoa học quản lý.