3 kịch bản tăng trưởng cho TP.HCM sẽ thất bại nếu thiếu vắc xin
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra cho thành phố là: thấp, trung bình và cao. 3 kịch bản trên tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh.
Nếu kiểm soát được dịch trong tháng 8 thì kinh tế của TP.HCM sẽ rơi vào kịch bản thấp và dự báo 9 tháng đầu năm sẽ tăng trưởng ở mức 5,02%; cả năm thành phố đạt 4,9%.
Tiếp đó, khả năng kiểm soát dịch bệnh được trong tháng 7, tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 5,26% và cả năm tăng trưởng 5,53% so với cùng kỳ.
Kịch bản tốt nhất là khả năng TP.HCM kiểm soát dịch bệnh tốt ngay trong tháng 6 này, nhưng đây là một sự thách thức lớn. Trong bối cảnh lạc quan nhất, tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm sẽ đạt 5,74% và cả năm là 6,37%. Khu vực dịch vụ sẽ dần hồi phục với tăng trưởng đạt 5,82%.
Theo ông Ngân, mặc dù đưa ra các con số dự báo như vậy nhưng rõ ràng với tình hình kinh tế hiện nay, nhiều yếu tố bất định nên dự báo chỉ mang tính chất tạm thời, ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các kịch bản sẽ không thành hiện thực nếu thiếu vắc xin Covid.
“Tất cả các kịch bản này sẽ thất bại trong trường hợp không triển khai được việc tiêm vắc xin cho người dân, người lao động tại Việt Nam cũng như tại TP.HCM. Kế hoạch hiện tại là lạc quan khi các đơn đặt hàng của Việt Nam đã lên tới 120 triệu liều vắc xin. Nếu kế hoạch này không thành hiện thực trong năm 2021 thì doanh nghiệp rất bấp bênh”, Viện trưởng Ngân cho biết.
11.000 người mà có 300 liều vắc xin ?
Tại “Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” diễn ra tại TP. HCM ngày 10/06, đại diện một số hội, doanh nghiệp cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không thể diễn ra bình thường nếu nỗi lo F0, F1 vẫn thường trực. Do đó, người lao động cũng là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin sớm.
Là một công ty chuyên sản xuất giày dép thuộc Bộ Quốc phòng nằm trên địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM), Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty 32 (Bộ Quốc Phòng) khẳng định, dù đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 song công ty vẫn xảy ra 2 trường hợp F1 trở thành F0 do lây nhiễm từ bên ngoài vào.
Toàn bộ công nhân được cho nghỉ việc tạm thời, ảnh hưởng kinh tế của doanh nghiệp đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp do chậm tiến độ giao hàng, giảm thu nhập của người lao động. Đại diện doanh nghiệp của quận đội đưa ra giải pháp là các doanh nghiệp có thể tự chi trả kinh phí tiêm vắc xin theo hướng thương mại.
“Chúng tôi kiến nghị trong kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cần ưu tiên những ngành nghề có nhiều lao động như dệt may, da giầy, điện tử… những ngành nghề không thể bố trí làm việc online, tại nhà… Nên chăng, TP.HCM nghiên cứu chỉ đạo đơn vị nào đủ chức năng, năng lực tiếp cận nguồn vắc xin thì có thể theo hướng thương mại. Chi phí do tự doanh nghiệp chi trả”, Thượng tá Nguyễn Thế Anh phát biểu tại hội nghị.
Cũng trong trạng thái vừa làm vừa hồi hộp vì dịch Covid-19, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), ông Đỗ Phước Tống ví những ca F1 xuất hiện trong lực lượng lao động như một cái chết bất ngờ đối với doanh nghiệp.
“Có F1 coi như xong công ty luôn, doanh nghiệp mất đủ thứ hết trơn. Trong khi các doanh nghiệp đăng ký mua vắc xin cho người lao động nhưng mọi thứ còn mơ hồ”, ông Tống nói.
Chia sẻ nỗi niềm của những lao động trong ngành hàng không về vấn đề vắc xin, Chủ tịch HĐQT Vietravel, Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng hàng không đang là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Rủi ro cao nếu như trong một chuyến bay có ca nghi nhiễm thì toàn bộ ekip bay phải cách ly 21 ngày.
“Anh em sân bay có gửi gắm tôi. Có 11.000 người lao động mà có 300 liều vắc xin thì biết tiêm cho ai ? Họ thấy sốt ruột”, đại diện Vietravel nêu ý kiến.
Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp về vấn đề vắc xin, Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong thông tin việc thành phố đã lập tổ công tác về tiêm vắc xin. Hiện tổ công tác đã đàm phán với một số đơn vị và nhà cung ứng.
Ông Phong cho biết, nhận được nhiều tin nhắn của các doanh nghiệp sẵn lòng chia sẻ cùng với thành phố. Có doanh nghiệp chỉ đề nghị xin lại 10% trong việc đóng góp mua vắc xin để tiêm lại cho công nhân của họ.
“Lúc đó, tôi có báo cáo lại với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thì đồng chí nói không chỉ 10% mà 20% cũng được. Nhưng mục tiêu cụ thể ở đây là tiêm vắc xin cho toàn dân, nguồn cung vắc xin có lộ trình, cần xác định ưu tiên cho những đối tượng nào. Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định để chúng ta thoát khỏi đại dịch”, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.