Nhận diện hiệu quả sử dụng vốn trong các "ông lớn" doanh nghiệp nhà nước

Trung Kiên

18/10/2021 19:29

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về tình hình hoạt động, tài chính và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước năm 2020. Báo cáo cho thấy nhiều "ông lớn" thua lỗ hàng chục ngàn tỉ. Trong hơn 6,7 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước đến hết năm 2020, số lỗ luỹ kế đã lên tới 1,17 tỷ USD.

vietnam-airlines-1634557045.jpg

Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ phát sinh 11.178 tỉ đồng

Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty thua lỗ hàng chục ngàn tỉ

Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020 cho biết, tính tới hết năm 2020, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp là hơn 1,597 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2019.

Báo cáo cho biết có 119/807 doanh nghiệp (chiếm 15% tổng số doanh) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 15.740 tỉ đồng. Trong đó, có 79 doanh nghiệp nhà nước (nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên) với tổng số lỗ phát sinh là 15.412 tỉ đồng (chiếm 97,8%).

Có 169/807 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 33.750 tỉ đồng. Trong đó, có 124 doanh nghiệp nhà nước với tổng số lỗ lũy kế là 30.935 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, với nhóm 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con, báo cáo của Chính phủ cho biết, có 5 tập đoàn, tổng công ty (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của tập đoàn, tổng công ty) là 3.262 tỉ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ phát sinh 1.656 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 1.182 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ phát sinh là 77 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng lỗ phát sinh 29 tỉ đồng và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỉ đồng.

Có 11 tổng công ty, tập đoàn nhà nước còn lỗ lũy kế là 11.464,2 tỉ đồng và 7 công ty mẹ còn lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 5.392,8 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ lũy kế 3.170,9 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.257,3 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 848,5 tỉ đồng, Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 655 tỉ đồng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 46,9 tỉ đồng, Tổng công ty Thái Sơn lỗ lũy kế 26,7 tỉ đồng, Công ly TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế 23,3 tỉ đồng, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lỗ lũy kế 21 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và PTNN Hà Nội lỗ lũy kế 17,2 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô lỗ lũy kế 4,6 tỉ đồng.

Với 187 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, báo cáo của Chính phủ cho hay, có tới 30 doanh nghiệp báo cáo lỗ phát sinh với tổng số lỗ 12.003 tỉ đồng.

Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh theo báo cáo họp nhất lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ phát sinh 11.178 tỉ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) lỗ phát sinh 265 tỉ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền nam lỗ phát sinh 210 tỉ đồng, Tổng công ty cổ phần Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 154 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp lỗ phát sinh 102 tỉ đồng, Công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình lỗ phát sinh 20 tỉ đồng, Công ty cổ phần Giày Thượng Đình lỗ phát sinh 14 tỉ đồng.

Mấy "ông lớn" nhà nước đầu tư ra nước ngoài lỗ luỹ kế đã lên tới 1,17 tỷ USD

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ thì trong hơn 6,7 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước đến hết năm 2020, số lỗ luỹ kế đã lên tới 1,17 tỷ USD. Theo đó đến cuối năm 2020 có 131 dự án đầu tư ra nước ngoài của 28 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước với tổng vốn hơn 6,7 tỷ USD, trong đó 95% vốn đầu tư thuộc về các dự án đầu tư của PVN, Viettel và Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG).

Cụ thể, PVN đã rót 3,97 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài (chiếm 59% tổng vốn các dự án), Viettel là hơn 1,45 tỷ USD (chiếm 22%), VRG xấp xỉ 926 triệu USD (14%). Các lĩnh vực được rót vốn chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, trồng, chế biến cây cao su, khai thác khoáng sản, nông nghiệp...

Doanh nghiệp nhà nước bỏ vốn đầu tư ra nước ngoài tại 26 quốc gia, Campuchia (41 dự án), Lào (32 dự án), Malaysia (9 dự án), Singapore (8 dự án), Nga và Myanmar mỗi quốc gia 5 dự án, Peru (4 dự án)... Đến 31/12/2020, vốn đầu tự các dự án ở Campuchia và Peru đạt hơn 1 tỷ USD (chiếm 15%); Malaysia với gần 964 triệu USD (chiếm 14%), Nga xấp xỉ 793 triệu USD (12%)...

Gần một nửa dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi vốn, gần 3,17 tỷ USD (gồm lợi nhuận chuyển về nước 1,45 tỷ USD). Trong đó PVN thu hồi gần 2,4 tỷ USD (60% vốn đầu tư thực hiện), Viettel là 706,29 triệu USD (49% vốn ban đầu).

Riêng năm 2020, 32 dự án đầu tư ra nước ngoài không phát sinh doanh thu, 89 dự án đạt hơn 5,54 tỷ USD doanh thu (giảm 21% so với 2019). 28 dự án bị lỗ, gần 237 triệu USD (tăng 81 triệu USD so với năm 2019).

61 dự án có lợi nhuận, với tổng lãi sau thuế gần 427 triệu USD, giảm 25%. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam gần 118,8 triệu USD, giảm 42% so với 2019. Đến cuối năm 2020 còn 46 dự án lỗ, với tổng số lỗ luỹ kế 1,17 tỷ USD, giảm 1 dự án nhưng tăng 120 triệu USD so với 2019.

"Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 chưa đạt kỳ vọng", Chính phủ nhận xét.

Ngoài nguyên nhân chủ quan như năng lực quản lý, quản trị rủi ro, dự báo thị trường..., nguyên nhân khách quan về chính sách đầu tư nước sở tại, tác động của Covid-19 khiến tình hình các dự án đầu tư ra nước ngoài năm 2020 bị ảnh hưởng tiêu cực hơn so với 2019.

Trung Kiên