Moody’s cho biết 17 ngân hàng của Việt Nam có thể bị đánh giá hạ mức tín nhiệm.
Bộ Tài chính trong thông cáo phát đi ngày 10.10.2019 cho biết cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ. Bộ Tài chính nhấn mạnh đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.
Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ
Việt Nam đang có mức dự trữ ngoại hối cao nhất lịch sử vượt 71 tỉ USD, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - đủ khả năng thanh toán các khoản nợ Chính phủ.
Theo nguyên tắc xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, các ngân hàng thương mại của một quốc gia không thể có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia đó. Thông báo của Moody’s cũng chỉ rõ, việc giảm xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam, nếu có, cũng không liên quan đến hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
Các ngân hàng được Moody’s xem xét hạ mức tín nhiệm bao gồm:
1. An Bình Bank
2. ACB
3. HDBank
4. Vietcombank
5. BIDV
6. LienVietPost Bank
7. MB Bank
8. Nam Á Bank
9. OCB
10. SHB
11. TP Bank
12. Agribank
13. VIB
14. Vietinbank
15. Maritime Bank
16. VPBank
17. Techcombank
Xếp hạng tín nhiệm là mức đánh giá của các tổ chức độc lập về khả năng thanh toán các khoản nợ của Chính phủ hay các doanh nghiệp, ngân hàng. Mức xếp hạng tín nhiệm càng cao, các chủ thể được xếp hạng càng có vị thế thương lượng khi vay nợ, do đó có thể thu xếp được các điều khoản có lợi hơn, thông thường là lãi suất thấp hơn.
Hiện hai tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới (bên cạnh Moody’s) xếp hạng tín nhiệm Chính phủ Việt Nam ở mức BB với đánh giá ổn định (S&P) và tích cực (Fitch). Trước đó, Moody’s xếp hạng Việt Nam ở mức Ba3 với đánh giá ổn định.
Trao đổi với Tạp chí Nhà Quản Lý, các ngân hàng (đề nghị giấu tên) cho biết họ vẫn chờ đánh giá chính thức của Moody’s và hi vọng kết quả làm việc giữa Bộ Tài chính với cơ quan này khả quan.