Làm gì để giữ “Sao” và nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP của Quảng Bình?

Tiểu My

01/06/2024 13:13

OCOP là chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm. Cụ thể hơn là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã cho ra mắt nhiều sản phẩm OCOP và được người dân đón nhận. Tuy nhiên, làm sao để sản phẩm OCOP giữ được “Sao” và nâng cao hơn chất lượng là một hành trình dài đối với người sản xuất.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Hiện nay, Quảng Bình có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), như vậy số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt mục tiêu so với Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh đề ra (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao).

Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như Yến, Cam, Tiêu, bột nghệ, mật ong…. Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-130722-1717567834.png
Một gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, hiện nay làm thế nào giữ được “Sao” và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa vẫn là một bài toán khó cho người sản xuất và đơn vị quản lý.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Du lịch và Phát triển châu Á cho biết: “Việc phát huy được giá trị lợi thế đặc sản của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa bản địa là hết sức quan trọng. Để sản phẩm OCOP bán với giá cao bên cạnh vấn đề chất lượng thì người tiêu dùng còn quan tâm tới câu chuyện sản phẩm và giá trị văn hóa trong đó.

Việc giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP thì vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra là rất quan trọng. Các đơn vị tăng cường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở, các chủ thể. Có như vậy mới cùng họ giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP đã được gắn sao”.

Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình chia sẻ, đối với mỗi chủ thể kinh tế, việc xây dựng, phát triển và được công nhận hạng sao OCOP là cả một quá trình. Do đó, khi được công nhận hạng sao OCOP các chủ thể không nên có tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, mà cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh đó là nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thị trường. Như vậy. mới duy trì và củng cố sản phẩm OCOP được công nhận, đồng thời làm cơ sở để nâng cấp, hướng đến hạng sao cao hơn.

Mặt khác, chúng ta cần có những giải pháp để tiếp cận thị trường, lắng nghe tiếng nói thị trường, tín hiệu thị trường, từ đó các chủ thể sẽ có sự điều chỉnh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp. Sản phẩm không hề đứng yên, do đó những người tạo ra sản phẩm OCOP phải luôn nâng cấp, cải tiến sản phẩm hiện có.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, ngoài những thuận lợi mà các sản phẩm OCOP có được, thì thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức đối với những nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp luôn còn nhiều khó khăn, trước tiên phải kể đến thu nhập của người dân còn thấp và tư duy sản xuất chưa cao, khiến việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao gặp không ít khó khăn. Qua đó, dẫn đến có sự thay đổi đáng kể về tập quán canh tác, nhưng vẫn rất chậm chạp.

Bên cạnh đó, thiếu những chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ khiến cho việc sản xuất và đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn gặp khó khăn. Quỹ đất chưa đủ lớn để tạo nên những vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xây dựng nhà xưởng.

Thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn, do đó chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến kinh doanh sản phẩm phẩm từ nông nghiệp. Tổ chức quảng bá, truyền thông sản phẩm chưa được tổ chức bài bản, quy mô, rộng khắp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường còn gặp nhiều khó khăn và chưa thật sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa tìm được thị trường ổn định và bền vững.

Theo các chuyên gia, nếu giải quyết được các bài toán khó nói trên, việc phát triển sản phẩm OCOP để đến rộng rãi tới tay người tiêu dùng sẽ không còn xa.

Tiểu My