Giới công nghệ thông tin toàn cầu từ ngày hôm qua đã vô cùng bất ngờ vì thông báo chấm dứt hoạt động tại thị trường Trung Quốc của LinkedIn vì so với Facebook, Google, hay Twitter thì Microsoft là một trong những công ty công nghệ toàn cầu hiếm hoi có thể trụ vững tại đất nước tỷ dân suốt nhiều năm và không bị tác động mấy bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
“Tuy đã thành công trong việc giúp đỡ nhiều người Trung Quốc tìm kiếm việc làm và các cơ hội kinh tế, nhưng chúng tôi không tìm thấy sự thành công tương tự ở các khía cạnh xã hội như chia sẻ và cập nhật thông tin,” Linked cho biết.
Tờ South China Morning Post trích dẫn lời của ông Mohak Shroff, phó chủ tịch kỹ thuật tại LinkedIn, “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể và các yêu cầu lớn hơn từ phía Trung Quốc.”
Theo thông tin từ phía Trung Quốc, LinkedIn từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của chính phủ nước này với các cáo buộc liên quan đến việc kiểm duyệt các bài đăng nhạy cảm về chính trị trên nền tảng mạng xã hội này.
Để giải quyết vấn đề và tiếp tục được ở lại thị trường Trung Quốc, vào khoảng cuối tháng 9 – đầu tháng 10 năm nay, LinkedIn đã mạnh tay chặn các tài khoản LinkedIn của các nhà báo Mỹ nhằm hạn chế người dân nước này truy cập vào các bài viết của họ.
Ngay lập tức, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông Rick Scott thuộc Đảng Cộng hoà từ bang Florida đã phải viết thư cho Microsoft và LinkedIn yêu cầu giải thích việc này. Ông xem động thái này như một “sự xoa dịu và hành động phục tùng” chính phủ Trung Quốc.
Trong một phát ngôn trước đó, LinkedIn cho biết mình là một nền tảng toàn cầu, điều đó có nghĩa là họ cần tuân thủ tất cả luật pháp ở những nơi họ hoạt động, bao gồm cả các quy định tại Trung Quốc để sao cho tối ưu hoá hoạt động của nền tảng ở nước sở tại.
Tuy nhiên, tương tự như các ông lớn công nghệ khác, LinkedIn vẫn không thể cam kết chặn toàn bộ hoạt động liên quan đến việc chia sẻ (đặc biệt là các vấn đề chính trị) tại nước này và rời khỏi thị trường là lẽ tất yếu.
Mặc dù vậy, Microsoft – công ty mẹ của nền tảng lại không thể chấp nhận việc từ bỏ một thị trường hết sức rộng lớn tại Châu Á. Tuy LinkedIn đã không còn hoạt động, nhưng thay vào đó là nền tảng InJobs (ra mắt vào cuối năm ngoái) – một cổng thông tin chỉ dành cho thị trường Trung Quốc và “không gồm nền tảng xã hội hay khả năng chia sẻ các bài đăng hay bài báo” mà chỉ đơn giản phục vụ như một cổng thông tin để niêm yết và nộp hồ sơ xin việc.
LinkedIn có mặt tại Trung Quốc kể từ năm 2014, thu hút hơn 45 triệu người dùng. Đây là con số đáng kể hơn rất nhiều các công ty mạng xã hội phương tây khác gồm cả Facebook, Twitter vốn đã bị cấm ở đất nước tỷ dân.
Bản thân Microsoft có lịch sử dài ở Trung Quốc, họ đã gia nhập thị trường này vào năm 1992. Phần mềm của công ty được sử dụng rộng rãi bởi các công ty và chính phủ Trung Quốc. Công cụ tìm kiếm Bing của công ty cũng được sử dụng tại đây tuy nhiên Google thì không.
Duy trì hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu vẫn luôn là một thách thức vô cùng lớn đối với các tập đoàn tư nhân, đặc biệt là những công ty chuyên về các nền tảng công nghệ. Trước đó, Facebook, Google, và Amazon (3 trong BIG4) đã phải chấp nhận dừng hoạt động tại Trung Quốc vì những lý do tương tự. Dù thế nhưng họ vẫn không từ bỏ các cơ hội để có quay lại thị trường màu mỡ này suốt hơn 10 năm qua.
Chẳng hạn như Google vào năm 2018 đã tiến hành thử nghiệm một công cụ tìm kiếm tên Dragonly được tạo ra dành riêng cho thị trường Trung Quốc nhằm giúp chính phủ nước này kiểm soát người dân tốt hơn. Hay Facebook vào năm 2016 thậm chí đã chấp nhận các chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc, tạo ra một công cụ có thể chặn các nội dung gây tranh cãi tại một số khu vực nhất định. Sau đó, công cụ này vẫn không được triển khai, và tất nhiên, Facebook vẫn bị chặn ở Trung Quốc.
Tới cuối tháng 7 năm 2018, Facebook tưởng như đã được trở lại Trung Quốc khi thành lập một công ty con tại đây. Nhưng chỉ sau 1 ngày, công ty này đã bị rút giấy phép, và “giấc mộng Trung Hoa” vẫn rất xa vời với nền tảng mạng xã hội toàn cầu này.
Đối với Amazon, nền tảng thương mại điện tử này đã nhiều lần tổ chức hội nghị seller tại Trung Quốc nhằm lôi kéo nhiều người bán Trung Quốc tham gia hoạt động, tuy nhiên đến nay vẫn không thành công do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ mạnh nhất là Alibaba.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế tài chính Vũ Sỹ Cường cho biết các tập đoàn lớn sẽ không dễ từ bỏ một thị trường lớn như Trung Quốc vì đó là miếng bánh khổng lồ có sức tiêu thụ lớn. Nên ngay cả khi bị chặn, họ vẫn sẽ luôn tìm cách trở lại.