Vừa qua, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 từ 1,7% xuống 1,4%. Bên cạnh đó, Fitch Rating cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2%.
Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1% do “triển vọng phục hồi xây dựng nhà ở suy yếu”.
Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro (Eurozone) năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ mức 0,1% lên 0,2% do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu dịu bớt. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu.
Fitch Ratings cho rằng, nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong mùa đông này đã giảm xuống do nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) tăng và tiêu thụ khí đốt giảm.
Ngoài ra, lạm phát thời gian gần đây ở khu vực đồng euro và Anh đã đạt 11%, lạm phát cơ bản đã đang tăng lên. Fitch Ratings ước tính lạm phát chung sẽ giảm đáng kể vào năm 2023 khi giá lương thực và năng lượng ổn định.
Báo cáo của Fitch Ratings cũng dự đoán lãi suất cơ bản do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ấn định sẽ đạt đỉnh ở mức 5% và trong trường hợp của ECB là 3%.
Còn Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đều bị giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh.
OECD dự báo nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới khi tăng trưởng thu hẹp 0,7% - giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong khi đó, kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023.
Đối với toàn cầu, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 3%, song lại hạ dự báo trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 6.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết mọi nơi - xuống 2,7% vào năm 2023, từ mức 3,2% năm 2022 trên toàn cầu. Nhưng khả năng xảy ra suy thoái lại là vấn đề gây tranh cãi, ngoại trừ ở Liên minh châu Âu (EU), khu vực mà nhiều người đồng ý là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái toàn cầu chủ yếu sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Mỹ.
Những người lạc quan cho rằng thế giới sẽ tránh được suy thoái vì bảng cân đối kế toán tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh, quá trình tạo công ăn việc làm vẫn đang diễn ra và lĩnh vực dịch vụ vẫn đang mở rộng. Họ cũng khẳng định rằng lạm phát đã đạt đỉnh và việc tăng lãi suất sẽ ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, họ cho rằng nhiều quốc gia trong thế giới đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh, khó có thể rơi vào suy thoái.
Còn theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong khi tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp nhưng dương ròng vào năm 2023, một số khu vực cụ thể sẽ phải đối mặt với sự suy giảm. Đứng đầu trong số đó là châu Âu, nơi IIF dự báo mức giảm 2,0% GDP tích lũy.