TS Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay, năm 2022, kinh tế vĩ mô trong nước đã đạt được 8 kết quả tích cực.
Thứ nhất, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ tháng 3.
Thứ 2, kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp dự báo cả năm tăng khoảng 10% so với năm trước.
Thứ 3, tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15 - 16%.
Thứ 4, xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó, xuất khẩu năm 2022 ước đạt 380 - 384 tỉ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỉ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.
Thứ 5, giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21 - 22 tỉ USD, tăng 13% so với năm trước.
Thứ 6, thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách nhà nước thặng dư (một phần do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch).
Thứ 7, lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát; dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8 - 9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD tăng giá, đã tăng khoảng 12% so với đầu năm).
Thứ 8, hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm. Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức chính. Thứ nhất, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Thứ 2, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022 - 2023 vẫn còn chậm.
Thứ 3, áp lực lạm phát tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.
Thứ 4, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Thứ 5, rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.
Thứ 6, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ, đỉnh của lạm phát của thế giới sẽ nằm trong năm 2022, từng bước “hạ nhiệt” trong năm 2023, dù vẫn còn ở mức cao, và sẽ đạt được sự ổn định vào năm 2024.
Dự báo về 2023, ông Hiển cho rằng, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý III/2023. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I và quý II/2023 và sẽ phục hồi vào quý III/2023.
Ông cũng cho rằng nền kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ quý II/2023 và sẽ có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 do hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.
Ngoài ra, thị trường bất động sản được dự báo phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công ngiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng điều chỉnh vào 2023. Những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái và lạm phát của các thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối; đồng thời, tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động, khó khăn thanh khoản, áp lực trả nợ trái phiếu trong năm 2023… tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp. |