Cần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam

Thùy Linh

07/09/2022 10:44

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo là khó khăn và bất định hơn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết, tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài.

anh-1-1662517426.jpg

Toàn cảnh hội thảo

Sáng ngày 6/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã tổ chức Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm đóng góp ý kiến, góc nhìn về kết quả cơ cấu lại nền ngành kinh tế trong suốt những năm vừa qua, ưu tiên cải cách hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn đến năm 2025.
Chuyển đổi từ “lượng” sang “chất” của các cụm liên kết ngành
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

anh-2-1662517427.jpg

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc hội thảo

Một trong những nội dung quan trọng của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với mục tiêu chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng đầu vào của sản xuất sang tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua việc liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng.
Hiệu quả đầu tư cũng được cải thiện, năng suất lao động xã hội tăng lên đáng kể so với trước đây. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khởi sắc hơn. Đã xuất hiện một số tập đoàn tư nhân lớn kinh doanh đa ngành nghề, tập trung phát triển công nghiệp, công nghệ, dịch vụ chất lượng cao. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, đặc biệt là “sức bật” của nền kinh tế đã có những cải thiện nhất định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Viện trưởng CIEM nhận định cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả. Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu...vẫn còn nhiều hạn chế, ít hình thành được các ngành nghề mới, sản phẩm mới,…
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị của ngành hàng.
Tại Hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng cường tính liên kết, cụm liên kết. Theo đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu phát triển đa lĩnh vực, chưa hình thành được các tác nhân lõi để phát triển cụm liên kết như, dự án có quy mô lớn, đối tác đầu tư nước ngoài chiến lược,… nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa phát triển.
Ths. Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) cho rằng, việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực sự gắn với cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá, chưa xây dựng được các tổ hợp công nghiệp chuyên môn hoá thực chất tại các khu vùng tập trung công nghiệp; chưa tạo ra được hệ sinh thái bộ gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp cung ứng, nhà cung cấp linh kiện, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, tài chính, khoa học công nghệ…

anh-3-1662517427.jpg

PGS. TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý cần điều tiết dòng chảy nguồn lực kinh tế sao cho phù hợp và hiệu quả

PGS. TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá, giai đoạn vừa qua, việc liên kết các vùng kinh tế ở Việt Nam chưa tốt, sức chống chịu còn hạn chế. Do đó, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế là hết sức cần thiết.
Nguyên Viện trưởng CIEM cũng lưu ý, trong điều kiện mới như hiện nay, để tăng cường việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần điều tiết dòng chảy nguồn lực kinh tế sao cho phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, cần tìm và chỉ rõ đâu là nguyên nhân khiến việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng vẫn còn lỏng lẻo.
Ngành kinh tế còn nhiều phụ thuộc vào bên ngoài
Theo Báo cáo nghiên cứu của CIEM, trong giai đoạn 2016-2020, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu của ngành kinh tế còn nhiều hạn chế khi mà các ngành còn phụ thuộc vào bên ngoài cả về vốn, công nghệ và thị trường, cũng như chưa coi trọng chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư nước ngoài, dự án có vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi. 
Việc tham gia sâu hơn vào khâu gia công – lắp ráp trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi khả năng tự chủ và tính bền vững trong sản xuất và xuất khẩu thấp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 càng bộc lộ rõ hơn những điểm yếu của cơ cấu kinh tế Việt Nam. Đó là sự phụ thuộc vào thị trường xuất, nhập khẩu của một số nước, sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ trong nước và mức độ dễ bị tổn thương của khu vực kinh tế trong nước.

anh-4-1662517427.jpg

 Các chuyên gia trình bày ý kiến tại hội thảo

CIEM nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo là khó khăn và bất định hơn, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng sâu rộng nền các ngành kinh tế; toàn cầu hóa và liên kết kinh tế tiếp tục là các xu thế lớn nhưng cục diện liên kết kinh tế–thương mại toàn cầu và khu vực biến chuyển phức tạp, nhanh và sâu sắc vượt dự báo. 
Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng trở nên gay gắt hơn, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị có xu hướng kéo dài; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng với nhiều thành tựu được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội, và kinh tế của từng quốc gia. 

anh-5-1662517427.jpg

Ths. Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM)

Ths. Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) nhận định, trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết, tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài.
Song, để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan chức năng về chính sách, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển chuỗi liên kết ngành, cần phải có cả sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.
 

Thùy Linh