Kienlongbank sẽ phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ phát hành 13%, tức là cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu KLB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 13 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất 2020 đã kiểm toán. Sau phát hành, vốn điều lệ của Kienlongbank sẽ tăng từ 3.237 tỷ đồng lên gần 3.653 tỷ đồng.
Theo phương án được thông qua tại ĐHĐCĐ tháng 4, số vốn điều lệ tăng thêm dự kiến được sử dụng để bổ sung nguồn vốn để đầu tư tài sản cố định, hệ thống công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh.
Kienlongbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng với lãi trước thuế đạt 879 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Kiên Long ghi nhận lợi nhuận gần chạm tới nghìn tỷ đồng.
Tính riêng trong quý 3, Kienlongbank báo lãi trước thuế tăng 83,33% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 73 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chính của Kienlongbank đem về khoản lãi tăng 21% so với cùng kỳ (291 tỷ đồng), trong khi lãi từ dịch vụ gấp 2.5 lần (48 tỷ đồng).
Kỳ này, Ngân hàng được hoàn nhập hơn 9 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước trích lập 4.2 tỷ đồng. Kết quả, lũy kế 9 tháng đầu năm, cả thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ đều cho kết quả khả quan khi tăng 92% và gấp 3.3 lần cùng kỳ, đạt lần lượt 1,518 tỷ đồng và 180 tỷ đồng.
Ngân hàng giảm 36% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích 53 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế gần 879 tỷ đồng và 664 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Như vậy, Kienlongbank đã thực hiện được gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2021.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Kiên Long tăng 32% so với đầu năm, lên mức 75,740 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tiền mặt tăng 57% (1,183 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN giảm 29% (còn 2,468 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác gấp 2.3 lần đầu năm (27,672 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng khoảng 1% (34,922 tỷ đồng)…
Về phần nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 9% so với đầu năm (45,706 tỷ đồng), tiền gửi của TCTD khác gấp 2.6 lần (23,567 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá giảm 67% (300 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/09/2021, tổng nợ xấu của Kienlongbank giảm 63% so với đầu năm, chỉ còn hơn 697 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong quý 1 Ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB.