Góc nhìn chuyên gia và quản lý: Giải pháp nào cho thị trường trái phiếu hiện nay?

Thanh Minh

22/02/2023 10:20

Thời gian qua, câu chuyện về thị trường trái phiếu nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt, sau những “lùm xùm” liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp lại khiến cho thị trường này càng thêm khó khăn. Vậy đâu sẽ là giải pháp cho thị trường này sớm trở lại và nhận được niềm tin từ nhà đầu tư.

Theo TS Bùi Duy Tùng, chuyên gia kinh tế Trường ĐH RMIT Việt Nam, diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau Nghị định 65/2022 cho thấy thanh khoản thị trường, khối lượng thanh khoản sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các DN phát hành trái phiếu còn phải chịu áp lực rất lớn từ việc mua lại trái phiếu trước hạn và thanh toán trái phiếu đến hạn trong năm 2023.

Tuy nhiên, những biện pháp lúc này cần phải làm để có được niềm tin từ nhà đầu tư trái phiếu là: Bảo vệ quyền lợi của các NĐT trái phiếu là vô cùng quan trọng để duy trì niềm tin của họ vào thị trường TPDN. Nếu các NĐT cảm thấy quyền lợi không được bảo vệ thì sẽ mất niềm tin vào thị trường.

ts-bui-duy-tung-rmit13-1677035699.jpeg
TS Bùi Duy Tùng, chuyên gia kinh tế Trường ĐH RMIT Việt Nam.

Do vậy, các cơ quan chức năng phải đảm bảo rằng các tổ chức phát hành tuân thủ tất cả yêu cầu pháp lý liên quan đến việc chào bán trái phiếu. Chẳng hạn cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính, kế hoạch kinh doanh của công ty và các thông tin liên quan khác. Thông tin này là cần thiết để các NĐT đưa ra quyết định khi đầu tư vào TPDN.

Các cơ quan chức năng cũng phải thực thi các quy định liên quan đến phát hành và kinh doanh trái phiếu để ngăn chặn các hoạt động gian lận có thể gây hại cho các NĐT trái phiếu. Các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình phạt đối với các tổ chức phát hành không thực hiện nghĩa vụ, như trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn hoặc cung cấp thông tin sai lệch, hoặc gây nhầm lẫn cho các NĐT.

Việc cần thiết nhất hiện nay là các cơ quan chức năng nên thiết lập một hệ thống để bảo vệ quyền lợi của NĐT trong trường hợp quyền lợi của họ bị vi phạm.

Ở Mỹ và châu Âu, việc bảo vệ NĐT là rất quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của thị trường trái phiếu. Tại các thị trường này, các cơ quan chức năng đã thiết lập các quy định toàn diện và cơ chế giám sát để đảm bảo bảo vệ các NĐT trái phiếu.

Tóm lại, bảo vệ quyền lợi của NĐT trái phiếu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và ổn định của thị trường TPDN.

Bên cạnh đó, TS Bùi Duy Tùng cho rằng, để xây dựng một thị trường TPDN lành mạnh trong dài hạn, các cơ quan chức năng có thể tập trung vào những thay đổi trọng yếu. Cụ thể, nâng cao tính minh bạch và công bố thông tin của thị trường. Tổ chức phát hành cần công bố thông tin tài chính chi tiết và kịp thời hơn cho thị trường để gia tăng niềm tin cho NĐT như Nghị định 65 đã quy định.

Xây dựng thị trường thứ cấp cho TPDN, cho phép các NĐT mua và bán trái phiếu trước khi chúng đáo hạn, mang lại tính thanh khoản và tính linh hoạt. Cơ sở hạ tầng thị trường để giao dịch TPDN cần được phát triển, bao gồm nền tảng giao dịch, hệ thống báo cáo giá và cơ quan xếp hạng tín dụng để hỗ trợ các quyết định đầu tư sáng suốt.

Cần xây dựng khung pháp lý và quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của NĐT, bao gồm quy định về nghĩa vụ của tổ chức phát hành, tiêu chuẩn đối với tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cơ chế giải quyết tranh chấp. Đẩy mạnh chuẩn hóa và đơn giản hóa quy trình phát hành TPDN giúp các NĐT dễ tiếp cận hơn.

p3-thinh-2314-1677035787.jpeg
PGS-TS Định Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính.

Còn PGS-TS Định Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính chia sẻ, đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá hai năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho NĐT sẽ giúp những DN làm ăn chân chính được tiếp tục phát hành thay vì thắt chặt.

Nếu những quy định này nhanh chóng có hiệu lực sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường trái phiếu, lĩnh vực BĐS và cả nền kinh tế.

Về đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm sẽ tạo điều kiện cho NĐT không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, vừa giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định.

Hiện có nhiều NĐT dưới chuẩn đang mua trái phiếu DN riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là NĐT chuyên nghiệp. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn NĐT chuyên nghiệp tạo điều kiện để những NĐT dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để DN đảo nợ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần có giải pháp cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho NĐT.

Về đề xuất giải pháp hoán đổi trái phiếu sang BĐS, đây là “con dao hai lưỡi”.

Về tích cực, giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể mua được nhà ở với giá rẻ hơn thị trường, đồng thời chứng minh bên phát hành trái phiếu có tài sản để đảm bảo, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư.

Mặt hạn chế là về lâu dài, một tiền lệ xấu sẽ có nguy cơ xảy ra, đó là một số DN sẽ có thể phát hành trái phiếu với tâm thế luôn bán được hàng, kể cả khi có gặp khó khăn thực sự hay không, chỉ bằng cách hạ giá BĐS để thanh lý trái phiếu.

 

Thanh Minh