Góc khuất của dữ liệu

minhtam

04/10/2020 08:13

Dữ liệu - nguồn dầu mỏ mới trong hầu hết các ngành nghề kinh tế, đang âm thầm được tạo ra hàng ngày bởi những công nhân dữ liệu với mức lương chưa đến 200 USD/tháng.

Một ngày làm việc của Lan Anh bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, còn sớm hơn giờ đi học của học sinh phổ thông. Ngoại trừ giờ ăn cơm và nghỉ trưa, cô ngồi trước màn hình máy vi tính đến năm giờ chiều mỗi ngày, đọc thông tin từ các file tài liệu được quét (scan) và gửi từ nước ngoài gửi về, sau đó nhập dữ liệu đã chọn lọc vào các trường dữ liệu trong phần mềm.

Lan Anh là một trong số hàng chục thanh niên trẻ, hầu hết là phụ nữ, đang trong khóa huấn luyện nghề nhập dữ liệu tài chính cá nhân tại một công ty công nghệ thông tin có chi nhánh tại Buôn Ma Thuột, nơi cô dọn về sống chung với cha mẹ từ ba năm trước. Từng là nhân viên kinh doanh với thành tích xuất sắc tại TP. HCM, nhưng vì quá chán cuộc sống ngột ngạt, bận rộn, đầy áp lực của phố thị, Lan Anh quyết định chuyển về quê.

“Ở đây chẳng có việc gì để làm cả”, Lan Anh nói. “Trang web tìm việc luôn chỉ lèo tèo vài mục tuyển dụng, cũng chẳng có việc nào phù hợp với mình. Những nơi tốt tốt được giới thiệu thì phải chạy chọt. Trong khi thời gian ở Sài Gòn, mình liên tục phải từ chối mấy công ty săn đầu người”. Lan Anh cho biết mình hoàn toàn có thể gói ghém chi tiêu trong khoản tiền cho thuê nhà và lãi tiết kiệm ngân hàng tích
lũy từ thời gian làm việc ở Sài Gòn, nhưng cha mẹ cô thì không chấp nhận việc cô con gái ngoài 30 tuổi, chưa lập gia đình, mà cứ thất nghiệp quanh quẩn ở nhà.

“Mình kiếm chỗ đi làm cả ngày cho bố mẹ khỏi "ngứa" mắt” - Lan Anh nói về quyết định của mình. Với tấm bằng đại học và vốn Tiếng Anh xuất sắc, Lan Anh dễ dàng nhận được công việc nhập dữ liệu, dù lúc trực tiếp đến trụ sở công ty nộp đơn, cô được cho là quá tuổi để làm nghề này. “Ở đây toàn người trẻ, hơn 30 tuổi rồi thì họ không tuyển nữa đâu”, bác bảo vệ lúc nhận đơn ái ngại nói với cô. Chẳng những quá tuổi, Lan Anh còn vượt quá các tiêu chuẩn tuyển dụng (overqualification). Công ty chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng cho công việc này. Dù công việc không hẳn phù hợp, cô vẫn được gọi đi làm, với điều kiện là chấp nhận hai tuần học việc không lương như những người khác.

“Tiếng Anh tốt thì việc này cũng dễ, không phải suy nghĩ nặng đầu, chẳng phải mệt mỏi tìm khách hàng và thiết lập quan hệ như trước đây. Chỉ cần nhanh tay nhanh mắt, nhập tập trung thì chắc chắn sẽ đủ chỉ tiêu”, Lan Anh cho biết. Hồ sơ mà cô cần nhập là thông tin cá nhân của những công dân Mỹ về tình hình tài chính và các khoản vay nợ của họ trong quá khứ. Cô đoán rằng các dữ liệu này được dùng để phân tích nhằm thẩm định các khoản vay hay mua bảo hiểm trong tương lai. Người quản lý không giải thích mục đích nhập dữ liệu, chỉ cắt nghĩa các từ tiếng Anh và hướng dẫn các trường cần nhập liệu trong phần mềm. Lan Anh không hỏi thêm. Các đồng nghiệp của cô cũng không quan tâm họ đang được tiếp cận với loại thông tin gì, chỉ chăm chú dò tìm thông tin trên tài liệu và gõ lạch cạch vào máy tính. Trong giờ làm việc, mọi người không được mang theo điện thoại di động vào văn phòng. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin không phải là vấn đề, đơn giản là ai cũng cố gắng để đạt chỉ tiêu, không cần bận tâm ông Joe bà Jane nào đó trên nước Mỹ xa xôi.

Ngoài định mức yêu cầu, công ty có cơ chế thưởng cho những nhân viên nhập dữ liệu vượt chỉ tiêu. Nếu làm tốt, họ có thể đạt mức lương 8 triệu đồng/ tháng, gấp đôi mức lương tối thiểu vùng tại khu vực. Tuy nhiên, rất nhiều nhân viên dù làm hết sức chỉ đạt được xấp xỉ 4 triệu/ tháng. Quỳnh Chi, người giới thiệu công việc này cho Lan Anh, đã nghỉ làm vì “nhập chậm quá, làm miệt mài mà không đủ ăn”.

Những năm gần đây, công ty liên tục tuyển dụng số lượng lớn nhân viên nhập liệu, người mới vào nhiều, nhưng người cũ nghỉ việc cũng nhiều không kém. Nhân sự công ty dao động ở mức 200-300 người cho chi nhánh tại Buôn Ma Thuột. Tình hình nhân sự của công ty này ở chi nhánh Đà Nẵng có lẽ cũng không khác, dựa trên số tin tuyển dụng liên tục trong hai năm gần đây.

Không hiếm người như Quỳnh Chi, dù còn trẻ nhưng tiếng Anh rất hạn chế, gõ bàn phím cũng “không đủ nhanh”. Chưa kể, công việc lặp đi lặp lại thời gian dài cũng khiến cô nhàm chán. Quỳnh Chi kể rằng cô bị đau vai cổ gáy sau hơn một năm làm việc tại đây. Tiếng Anh cũng không tiến bộ hơn, vì vốn từ chỉ gói gọn trong phạm vi công việc, cũng không có giao tiếp gì. Thời gian làm việc dài, mỗi tuần làm một ca đêm, cũng khiến cô mệt mỏi không muốn đi học gì thêm vào ngày nghỉ. Sau khi nghỉ việc, cô chuyển qua làm nhân viên thu ngân tại siêu thị, kỹ năng thu được sau khi làm việc nhập liệu không giúp được gì cho cô trong công việc mới.

Quỳnh Chi không phải người duy nhất từ bỏ công việc nhập dữ liệu vì nhận thấy không đủ kỹ năng cho nghề, đồng thời cũng không sống được với mức lương ít ỏi. Không ít người cũng coi đây là một công việc tạm bợ, họ làm vì không có sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không thấy được giá trị của những giờ lao động của mình, dù thực sự đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Ở phía bên kia bán cầu, một công ty cung cấp dịch vụ tài chính sử dụng phần mềm phân tích dựa trên dữ liệu được nhập tại Việt Nam, có thể nhanh chóng đưa ra đánh giá chính xác về khách hàng cá nhân của mình, từ đó quyết định các khoản vay hay gợi ý gói bảo hiểm. Tốc độ thẩm định có thể quyết định trải nghiệm khách hàng trên quốc gia mà tiêu chí “nhanh hơn, nhiều hơn” luôn quyết định người thắng trong cuộc đua giành giật khách hàng cá nhân.

Với công nghệ đổi mới, ở một tổ chức tài chính ngày nay, số lượng thẩm định được xử lý mỗi ngày nhiều hơn, tốc độ phục vụ khách hàng nhanh hơn, nhưng số nhân viên tín dụng lại ngày một ít đi. Dù vậy, họ còn hiểu mình đang làm gì. Trong khi, tại một văn phòng nhập liệu ở bờ Đông Thái Bình Dương, những thanh niên Việt Nam với trình độ tối thiểu trung cấp, đang làm công việc được chuyển (outsource) từ nước Mỹ, không biết cũng như không quan tâm những dòng dữ liệu được nhập vào phần mềm.

“Dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới”, theo Clive Humby, nhà toán học và chuyên gia khoa học dữ liệu người Anh. Ông giải thích thêm rằng, giống như dầu mỏ, dữ liệu có giá trị, nhưng nếu không được tinh chế thì không thể thực sự sử dụng được. Nếu ví phần mềm tài chính như một cỗ máy lọc dầu, thì những người như Lan Anh hay Quỳnh Chi, đang dùng chính bàn tay của mình để đổ dầu thô vào máy lọc. Cũng tương tự như nghề dán nhãn hình ảnh để AI có thể phát triển, nghề nhập dữ liệu tài chính được chuyển từ những nước phát triển sang những nước có nguồn nhân công giá rẻ. Thậm chí ở Việt Nam, nghề này cũng không thể tồn tại ở các thành phố lớn có mức chi tiêu cao như Hà Nội hay TP. HCM. Lao động trong nghề nhập dữ liệu tài chính vẫn còn ở trong góc khuất, không có đầu tư và định hướng để tồn tại với nghề.

“Văn phòng giống như công xưởng, còn mình giống như công nhân gia công thứ thiệt”, Lan Anh kể về trải nghiệm ngày làm việc của mình. Cô nói đùa rằng mình gia nhập tầng lớp cồn cổ xanh (blue-collar worker) rồi. Dù có lẽ là một trong số ít người đủ kỹ năng để đạt mức lương cao nhất trong việc nhập dữ liệu, Lan Anh không định gắn bó lâu với nghề này. Nếu tìm được một cơ hội nghề nghiệp khác phù hợp với mình hơn, cô sẽ không làm công việc này nữa.

Cao Dung


minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Góc khuất của dữ liệu" tại chuyên mục Công nghệ.