Giới trẻ với chuỗi giá trị nông nghiệp

caodung

23/11/2020 17:01

Bằng sự hiểu biết về chuỗi giá trị nông nghiệp, thế hệ trẻ hoàn toàn có thể xây dựng nghề nghiệp gắn bó với ruộng đồng như thời cha mẹ mình, nhưng theo cách thức hoàn toàn khác.

Trước sự bùng nổ của COVID-19, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán rằng đến quý II năm nay, trên toàn cầu sẽ có 195 triệu người mất việc làm do tác động của đại dịch, đặc biệt là những lao động nhập cư. Tháng 8.2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam ước tính cho đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có khoảng 60.000-70.000 người mất việc làm, hầu hết trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xây dựng, giao thông và sản xuất. Điều này thúc đẩy một lượng lớn lao động nhập cư, nhất là giới trẻ, quay trở về nông thôn. Khi lực lượng lao động trong nông nghiệp ngày càng có xu hướng già hóa, ngành này rõ ràng cần thu hút nhiều người trẻ hơn.

Việc quay trở về nông thôn của thanh niên trong thế bị động không là dấu hiệu tốt, khi đam mê và tay nghề canh tác của họ không như các thế hệ trước. Là nước truyền thống nông nghiệp, nghề nông tuy có thể hấp thụ nhiều lao động dôi dư nhưng hiện không thể tạo ra thu nhập tốt như những ngành nghề khác. Năm 2019, ngành nông nghiệp của Việt Nam thu hút nhiều lao động nhất (34,7%) nhưng chỉ đóng góp gần 14% vào GDP của cả nước. Cũng từ đó, nhiều người người trẻ nghĩ rằng nghề nông là lao động chân tay, không mang lại lợi ích kinh tế và rất ít cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, người trẻ cần phải biết chịu đựng, phải dấn thân để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong buổi tọa đàm về chủ đề giới trẻ và nông nghiệp ngày 21.11.2020, ông Lê Cao Lượng, giảng viên Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm TP. HCM khẳng định [các bạn trẻ] “làm nông nghiệp hoàn toàn không có hy sinh”. Ngày nay, làm nông không còn đơn thuần là canh tác trên đồng ruộng theo lối tự cung, tự cấp. Chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu lên kế hoạch, thực hiện sản xuất đến tìm đầu ra và phân phối sản phẩm có thể cung cấp cho người trẻ nhiều vai trò để thỏa mãn sở thích và kỹ năng. Sinh viên trong bất kỳ lĩnh vực hay khu vực địa lý nào – thành thị hay nông thôn, từ ngành tài chính, công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, đến thiết kế, truyền thông, marketing, v.v đều có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị.

 

Tọa đàm Green Talk. Ảnh: Green Edu
Tọa đàm Green Talk. Ảnh: Green Edu

 

 

 

Giáo dục là bước đi đầu tiên để giải quyết bài toán thu hút nguồn nhân lực trẻ trong nông nghiệp. Xóa bỏ hình ảnh cũ về “con trâu – cái cày”, thay vào đó là hình ảnh một nghề cần trí tuệ, sức sáng tạo, hay một nghề mang lại sự thư thái, chữa lành tâm hồn và quan trọng nhất, mang tính bền vững kinh tế, mới có thể khiến hệ thống sản xuất thực phẩm trở nên “thú vị” đối với thanh niên hiện nay. “Tăng cường giới thiệu cho thế hệ trẻ về nông nghiệp và các loại hình kinh doanh mới dựa trên nông nghiệp sẽ giúp người trẻ trở thành một lực lượng sáng tạo quan trọng nối nghiệp làm nông của gia đình, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho cả nông dân và cộng đồng địa phương. Những người trẻ có thể chuyển đổi ngành nông nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ mới và tư duy mới”, ông Mark Holderness, Thư ký Diễn đàn Toàn cầu về Nghiên cứu Nông nghiệp (GFAR) cho biết.

Việc trải nghiệm các mô hình canh tác tại địa phương và trên thế giới cũng giúp giới trẻ tăng cường vốn hiểu biết và sự đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua các chương trình hợp tác, quá trình tham quan hay trao đổi lao động với nước ngoài, giới trẻ có thể có cái nhìn tổng quan, đúng đắn về tình hình nhu cầu lương thực - thực phẩm toàn cầu, tiêu chuẩn nông nghiệp quốc tế và cập nhật những xu hướng tiến bộ hay bài học thành công của nước bạn. Điều này giúp họ nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp và mở ra cơ hội thành công hay thăng tiến trong sự nghiệp. Đồng thời, sự kết nối thông qua nghề nghiệp cũng giúp đưa thương hiệu Việt sang thị trường quốc tế.

Việc khơi dậy niềm đam mê và giúp giới trẻ định hình vai trò của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi vai trò lớn từ người lãnh đạo, chứ yêu cầu cống hiến từ phía người trẻ là việc không khả thi, theo chia sẻ của bà Đỗ Phan Hoàng Sương, CEO của chuỗi thực phẩm hữu cơ Dalat Foodie. Theo bà, thế hệ trẻ hiện nay có điều kiện trưởng thành đầy đủ hơn, nên cách thức điều hành nhân sự trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phải khác đi. Sắp xếp công việc đúng sở trường của mỗi cá nhân trẻ trong chuỗi giá trị, tạo cho họ môi trường để phát huy tinh thần chủ động trong công việc và chăm sóc nhân sự bằng cách thường xuyên đo lường chỉ số hạnh phúc của nhân viên, từ đó định hướng đi nghề nghiệp là cách thức mà Dalat Foodie đang thực hiện để thu hút nhân viên trẻ đến nông nghiệp.

Càng ít hấp dẫn, giới trẻ càng không lựa chọn nghề nông; ngược lại, càng ít người trẻ làm nông, nông nghiệp càng già hóa, kém sức hút. Vì thế, việc trẻ hóa lao động nông nghiệp là vấn đề “con gà – quả trứng” nan giải, khó chồng khó. Đây là thách thức mang tính toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tại Mỹ, một phần ba nông dân có độ tuổi trên 65, độ tuổi trung bình của nông dân Trung Quốc là khoảng 53 tuổi. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên Việt Nam hiện nay là mối đe dọa, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp giải quyết vấn đề “con gà – quả trứng” khi nhiều người trẻ có thể tiếp cận với nông nghiệp hơn.

Cao Dung

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Giới trẻ với chuỗi giá trị nông nghiệp" tại chuyên mục Khoa học quản lý.