Dấu hiệu lạc quan của ngành dịch vụ ăn uống châu Á

caodung

06/05/2020 11:27

Châu Á là nơi đầu tiên gánh chịu ảnh hưởng từ COVID-19, nhưng cũng là nơi đầu tiên có dấu hiệu phục hồi kinh tế lạc quan, thể hiện qua sự khai trương các cửa hàng ăn uống mới.

Với các biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ và hiệu quả, một số các quốc gia ở Châu Á bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội và dần nối lại các hoạt động thường ngày. Bên cạnh sự quay lại của các cửa hàng phục vụ ăn uống cũ, một số doanh nghiệp trong ngành F&B đã hoặc có kế hoạch khai trương cửa hàng mới, đón đầu sự nhiệt tình của người tiêu dùng sau nhiều tháng bức bối phong tỏa.

Trung Quốc đại lục

Mặc dù vẫn còn rủi ro bùng phát lại dịch COVID-19, Trung Quốc có các chỉ báo hoạt động kinh tế khá lạc quan. Tắc nghẽn giao thông và doanh thu bất động sản nhà ở tại các đô thị đạt gần bằng mức trước khi xảy ra đại dịch. Ô nhiễm môi trường quay về mức 74% và tiêu thụ than đá về mức 85% so với ngày 1.1. Nghiên cứu của McKinsey trên 2.500 người tiêu dùng Trung Quốc cho thấy niềm tin của người dân về sự hồi phục của nền kinh tế, dấu hiệu họ sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Yum China, tập đoàn Trung Quốc điều hành các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng như Pizza Hut, KFC, Taco Bell đã thông báo hợp tác với Lavazza, thương hiệu cà phê Ý nổi tiếng thế giới. Bộ đôi dự kiến sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh số một của Starbucks, thương hiệu cà phê Mỹ vốn coi Trung Quốc là một trong những thị trường hàng đầu. Bước đầu tiên, liên doanh sẽ sớm mở cửa hàng cà phê Flagship của Lavazza ở quận Tĩnh An thời thượng, ngay trung tâm thành phố Thượng Hải. Đây sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm của thương hiệu, cung cấp cơ hội cho khách hàng trải nghiệm cà phê theo cách sáng tạo và đáng nhớ, nhờ đó nâng cao được nhận thức về thương hiệu Lavazza.

Ý tưởng cửa hàng cà phê Lavazza (flagship store). Ảnh: Lavazza
Ý tưởng cửa hàng cà phê Lavazza (flagship store). Ảnh: Lavazza

Mức đầu tư sẽ không nhỏ vì liên doanh muốn tạo nên không gian đậm chất Ý, với sự giới thiệu lịch sử cà phê, trưng bày các loại máy pha cà phê biểu tượng, và phục vụ các món ăn nhẹ đúng kiểu do đầu bếp đạt tiêu chuẩn sao Michelin chuẩn bị. “Chúng tôi rất hân hành được hợp tác với Yum China, đối tác uy tín với sự am hiểu sâu sắc về thị trường và nhu cầu người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi đã tìm kiếm cơ hội thích hợp để thiết lập Lavazza ở Trung Quốc và Châu Á, sự hợp tác này là bước quan trọng đầu tiên”, theo Antonio Baravalle, CEO của Tập đoàn Lavazza.

Hồng Kông

Thị trường F&B của Hồng Kông trải qua biến động lớn vì bất ổn xã hội và đại dịch. Do vậy, Blue Bottle, thương hiệu cửa hàng cà phê của Mỹ, người chơi chính trong “làn sóng cà phê thứ ba” phải hoãn lại việc mở cửa hàng tại Hồng Kông, sau thành công tại các thị trường châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày khai trương bán mang đi tại Blue Bottle Hồng Kông. Nguồn: Fei-Dou
Ngày khai trương bán mang đi tại Blue Bottle Hồng Kông. Nguồn: Fei-Dou

Ngày 29.4, khi Hồng Kông có vẻ đã ngăn chặn được “làn sóng thứ hai” của virus Corona, Blue Bottle quyết định khai trương bán thử (soft opening) cho số lượng khách giới hạn, để chiều lòng người tiêu dùng Hồng Kông sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Vào buổi bán thử, mặc dù khách chỉ được mua mang đi, nhưng đã có hàng trăm người, một số mang theo ly cá nhân, xếp hàng ủng hộ. Đây chính là dấu hiệu đầy hy vọng cho ngành F&B ở Hồng Kông.

Cửa hàng của Blue Bottle tại Hồng Kông gồm hai tầng, tầng trệt bán cà phê espresso, thức uống đá lạnh và bánh ngọt theo mùa phù hợp để mang đi. Tầng trên là không gian cho khách thư giãn trên những chiếc ghế da và gỗ, thưởng thức một số món ăn mang tính biểu tượng của thương hiệu. Được thành lập vào năm 2002, Blue Bottle không chỉ tập trung vào việc sử dụng hạt cà phê có nguồn gốc duy nhất, mà còn làm việc trực tiếp với nông dân để đảm bảo nguồn cung bền vững và táo bạo theo đuổi mục đích “Zero Waste” (không rác thải) vào cuối năm 2020.

Hàn Quốc

Món ăn tại nhà hàng thức ăn nhanh Eggslut. Nguồn: Eggslut
Món ăn tại nhà hàng thức ăn nhanh Eggslut. Nguồn: Eggslut
Giữa tháng Hai và đầu tháng Ba, Hàn Quốc còn là điểm nóng của dịch bệnh khi để xảy ra sự cố lây lan trong cộng đồng. Nhưng hiện tại, đây là quốc gia được ca ngợi là thành công trong việc chặn đứng việc lây lan của COVID-19. Điểm đặc biệt nhất là Hàn Quốc chưa bao giờ phải áp dụng phong tỏa toàn quốc, chỉ thực hiện giãn cách xã hội tự nguyện và triệt để, linh hoạt tùy từng đối tượng.

Tập đoàn SPC, nhà điều hành chuỗi nhà hàng Shake Shack ở Hàn Quốc, cho biết tháng Sáu tới sẽ mở cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu Eggslut đầu tiên ở Hàn Quốc. Cửa hàng được đặt tại Trung tâm thương mại Starfield COEX ở Seoul với sự trang trí của nghệ sĩ graffiti người Anh Woskerski. Tập đoàn cũng đã có được giấy phép kinh doanh ăn uống ở Singapore.

Eggslut là thương hiệu cửa hàng thức ăn nhanh thành lập ở Los Angeles (Mỹ), nổi tiếng với món sandwich trứng, bao gồm bánh mì hoa cúc kẹp trứng, sốt sriracha và khoai tây nghiền. Các cửa hàng Eggslut đã thành công ở cả Mỹ, Anh, Kuwait và Nhật Bản. Với việc khai trương cửa hàng tại Seoul tháng Sáu tới, SPC mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng trong thị trường ẩm thực hàng ngày (casual dining).

“Chúng tôi mang Eggslut (đến Hàn Quốc) để củng cố kinh doanh nhà hàng và tạo ra sức mạnh tổng hợp với các công ty hiện có, bao gồm Shake Shack. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng bằng cách khám phá thêm nhiều thương hiệu và trở thành công ty thực phẩm toàn cầu”, một lãnh đạo của SPC cho biết.

Đài Loan

Khách hàng thực hiện giãn cách xã hội trong một khu ẩm thực ở Tân Trúc, thành phố phía Nam Đài Bắc, chụp tối ngày 7.5 -Ảnh: Trường Bùi/Tạp chí Nhà Quản Lý
Khách hàng thực hiện giãn cách xã hội trong một khu ẩm thực ở Tân Trúc, thành phố phía Nam Đài Bắc, chụp tối ngày 7.5 -Ảnh: Trường Bùi/Tạp chí Nhà Quản Lý
Tại Đài Loan, một trong những nơi kiểm soát thành công COVID-19 với số ca mắc chỉ hơn 400, ngành dịch vụ ăn uống chứng kiến sự sụt giảm do nỗi lo dịch bệnh. Doanh số ngành ăn uống đạt 1,73 tỉ USD trong bốn tháng đầu năm nay, giảm 21% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu bán hàng được tiến hành thống kê vào tháng 1.2000, theo cơ quan các vấn đề về kinh tế của Đài Loan. 

Nỗi lo dịch bệnh khiến các dịch vụ ăn uống có xu hướng sụt giảm từ trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, nhất là các địa điểm phục vụ ẩm thực Trung Hoa. Ngành bán lẻ nói chung sụt giảm, tuy nhiên điểm sáng là các nhà vận hành thương mại điện tử chứng kiến mức tăng doanh số hơn 19% trong giai đoạn này.

Thương hiệu nước ngoài, điển hình là nhà hàng Nhật Bản Ginza Bairin, vẫn quyết định khai trương cửa hàng đầu tiên của hãng tại Đài Loan trong một trung tâm thương mại ở thành phố Tân Trúc, phía Nam Đài Bắc, vào cuối tháng Ba, thời điểm dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát. Đài Loan không áp dụng phong tỏa toàn bộ hòn đảo mà chỉ cách ly bắt buộc với những người nhiễm bệnh, trở về từ nước ngoài và tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hay giữ khoảng cách với người khác. 

Các nhà hàng, quán ăn thay vì đóng cửa, đã quyết định điều chỉnh hoạt động kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhà hàng tiến hành đo thân nhiệt mọi khách hàng đến sử dụng dịch vụ, tái bố trí bàn ghế nhằm đảm bảo giữ đủ khoảng cách giữa các bàn, đồng thời dựng lên các vách ngăn giữa các thực khách. Các trung tâm thương mại vẫn đông đúc khách hàng vào cuối tuần. Nhiều thương hiệu tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người mua.

Việt Nam

Sau hơn một tháng Chính phủ Việt Nam chính thức ban bố tình trạng cách ly xã hội, đến cuối tháng tư - đầu tháng năm, các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng chính thức mở cửa trở lại. Khách hàng bắt đầu ra vào trung tâm thương mại, tuy nhiên, không phải cửa hàng nào, mặt hàng nào cũng thu hút khách. Như thường lệ, khu vực ăn uống vẫn đông khách nhất. Khách hàng không phân bố đều mà tập trung nhiều tại các quầy cà phê, trà sữa, bánh ngọt. Tại trung tâm thương mại Vincom khu vực đông khách hàng nhất là khu vực bán trà sữa, thức uống ưa thích của giới trẻ. Khách hàng đa phần thuộc nhóm trong độ tuổi từ 15-25 tuổi, đi theo từng nhóm. Trong khi đó, các nhà hàng, nhiều khách chỉ đi một mình.
Trà sữa Koi Thé Vincom Đồng Khởi chiều thứ tư ngày 6.5 - Ảnh: Bảo Dzoãn/Tạp chí Nhà Quản Lý
Trà sữa Koi Thé Vincom Đồng Khởi chiều thứ tư ngày 6.5 - Ảnh: Bảo Dzoãn/Tạp chí Nhà Quản Lý

Tuy nhiên kinh doanh thức uống như trà sữa, hay thức uống hướng đến giới trẻ vẫn đầy khắc nghiệt. Cuộc chiến nghiêng về phần những nhà đầu tư đủ kiên nhẫn và khả năng đi lâu. Thị trường những năm gần đây cũng chứng kiến các chuỗi cửa hàng thức uống hướng đến giới trẻ như Ten Ren, Gloria Jean’s Coffee hay The KAfe liên tục rút khỏi thị trường.

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc. Tính tới sáng ngày 7.5, Việt Nam có 271 người mắc bệnh. 86% trong số đó đã điều trị khỏi. Việt Nam cũng trải qua 21 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo thông tin từ Chính Phủ. Từ tuần cuối của tháng 4, các cửa hàng ăn uống đã được phép mở cửa trở lại. Từ ngày 4.5, sinh viên, học sinh một số trường đại học và trung học phổ thông tại TP.HCM cũng bắt đầu đi học trở lại.

Tạp chí Nhà Quản Lý

caodung