Xử lý chất thải không đúng nơi quy định
Qua tìm hiểu, Công trình xây dựng Trường mầm non tại ô đất I.C.35 nằm trong Khu đô thị Nam Thăng Long (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) có chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Công ty Nam Thăng Long) và được thi công bởi nhà thầu chính là Công ty Cổ phần xây dựng Seecons (Seecons). Dự án có tổng mức đầu tư gần 111 tỷ đồng.
Về công tác phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng của công trình do Công ty TNHH Xây dựng công nghiệp Thành Phát (Công ty Thành Phát) là đơn vị chịu trách nhiệm. Theo đó, địa điểm tiếp nhận xử lý chất thải là tại khu đất 6,5 ha nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 trên cao thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội.
Ghi nhận thực tế tại công trình thi công trong nhiều ngày, phóng viên Tạp chí Nhà Quản Lý đã ghi lại cảnh hàng loạt xe tải mang biển kiểm soát 29C-514.98, 29H-087.62, 29C- 227.92, 29H-802.18, 29C-249.35, 29C-030.68… chở đầy đất liên tục ra vào nơi thi công cả ban ngày lẫn ban đêm.
Tuy nhiên, thay vì chở đất đổ về bãi thải đã thiết kế thì những phương tiện trên lại di chuyển theo cung đường Tân Xuân – Đông Ngạc, hướng về phía khu vực cảng Chèm. Sau khi từ cảng Chèm đi ra, các xe tiếp tục quay lại phía công trường thi công để “ăn đất”, ước tính trung bình cứ 15 phút lại có 01 xe ra vào công trường.
Công trình có dấu hiệu thi công “chui”
Được biết, tình trạng trên diễn ra kể từ khi công trình bắt đầu thi công và sau đó đã được dư luận phản ánh tới chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đơn vị quản lý thi công công trình.
Theo đó, vào ngày 21/2, tại trụ sở UBND phường Đông Ngạc, phía chủ đầu tư Công ty Nam Thăng Long và nhà thầu chính Seecons đã cùng ký vào văn bản cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật, thu dọn, vận chuyển phế thải xây dựng đến nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị khi xây dựng công trình.
Tiếp sau đó, chủ đầu tư – Công ty Nam Thăng Long đã có động thái yêu cầu các nhà thầu dừng thi công công trình để hoàn thiện việc đổ đất thải kể từ ngày 9 – 14/3.
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhà thầu chính Seecons cho biết: Công trình được thi công trở lại sau khi Công ty Thành Phát có văn bản cam kết thực hiện xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, công trình đang triển khai công việc theo đúng nội quy công trường, giờ làm việc muộn nhất là đến 21h để đảm bảo an ninh trật tự cho toàn khu đô thị.
Thế nhưng, theo hình ảnh phóng viên ghi nhận được liên tục trong nhiều ngày thì các xe chở đất ra vào công trường đến tận tối muộn cổng công trường mới khép lại.
Chủ đầu tư thừa nhận việc đất dự án bị đem đi bán
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Quốc Toản – Giám đốc Công ty Nam Thăng Long, đại diện chủ đầu tư trao đổi: Dựa theo phản ánh trước đó của dư luận về việc đổ thải không đúng nơi quy định của công trình Trường mầm non tại ô đất I.C.35, phía công ty cũng đã tìm hiểu và xác nhận có tình trạng đơn vị xử lý chất thải đem đất thải ở công trình đi bán cho các hộ dân và nhà máy gạch. Tuy nhiên, công ty ghi nhận tình trạng đó chỉ có 1 – 2 xe, số lượng rất ít.
Ngoài ra, trước đó công trình đã được điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 18/3/2023 của UBND TP.Hà Nội là bao gồm 1 tầng hầm và 3 tầng nổi. Việc thiết kế thêm 1 tầng hầm buộc phía chủ đầu tư phải cho thi công đào lại móng, do vậy lượng chất thải của công trường hoàn toàn không phải đất thịt mà bao gồm cả gạch vữa, bê tông của phần móng đã xây. Ông Toản cho rằng, với lượng chất thải như vậy các xe khó có thể bán cho ai.
Vậy nhưng, trong suốt quá trình ghi nhận tư liệu, cả ban ngày lẫn ban đêm, phóng viên chưa ghi nhận một xe chở đất nào của công trình chạy về phía bãi tập kết chất thải. Theo hợp đồng dịch vụ tiếp nhận xử lý chất thải rắn xây dựng của Công ty Thành Phát, khối lượng đất thải thu từ công trình tạm tính là 2.000 m3, tương đương giá trị 36 triệu đồng.
Còn theo ước tính trên thực tế, nếu 2.000 m3 khối đất đó bán theo giá đất khảo sát tại quận Bắc Từ Liêm là 160 – 200 nghìn/m3 thì sẽ lên tới con số 400 triệu đồng. Đó là chưa kể, khối lượng đất còn vượt quá con số dự tính.
Việc đào đất của dự án đem đi bán là việc làm trái quy định pháp luật, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, gây thất thu thuế tài nguyên quốc gia.
Hơn nữa, nhìn bằng mắt thường có thể thấy, các xe chở đất đều chở vượt quá tải trọng, thùng xe che chắn sơ sài khiến cho đất rơi vãi trong quá trình di chuyển gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy mất an toàn giao thông.
Qua đây, đề nghị các cơ quan quản lý liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý, truy thu số đất đã bị đem bán đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 được sửa đổi bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021, quy định các mức phạt đối với hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn thông thường đặc thù, sản phẩm thải lỏng trái quy định bao gồm:
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp chất thải không nguy hại từ 100.000 kg trở lên, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
- Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% số tiền phạt so với mức phạt tiền tương ứng trong trường hợp gây ô nhiễm môi trường hoặc có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường xung quanh. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng trong trường hợp chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.