Bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản: Thực trạng ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ

Nhóm Phóng viên

17/02/2023 11:30

Bên cạnh việc buông lỏng quản lý tại các địa phương thì có một thực tế là công tác quản lý khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập khiến tình trạng khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm vẫn không ngừng tái diễn.

Khoáng sản bị “đánh cắp” đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ bị thất thu tiền cấp quyền khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường... Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại trước mắt cho nền kinh tế mà còn đe doạ làm cạn kiệt lượng dự trữ cho thế hệ sau cũng như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và mất an toàn. Thế nhưng vì lợi nhuận lớn nên tồn tại các trường hợp dùng mọi "chiêu trò", thủ đoạn để khai thác trái phép, kể cả chấp nhận bị “xử lý”. 

Bên cạnh việc buông lỏng quản lý tại các địa phương thì có một thực tế là công tác quản lý khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập khiến tình trạng khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm vẫn không ngừng tái diễn. Thực trạng mà Nhà Quản Lý ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ là một trong những điển hình.

Địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều loại khoáng sản có tiềm năng khai thác là: vàng; Quặng sắt; Đá vôi; Đá xây dựng; Đất sét (nguyên liệu sản xuất gốm sứ; Kaolin, feldspar; Cát, sỏi xây dựng...Tuy nhiên thời gian qua, do công tác quản lý ở một số địa phương của tỉnh còn lỏng lẻo nên đã không kịp thời phát hiện, xử lý, giải tỏa các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

Núp bóng hạ cốt nền để khai thác cao lanh...?

Tháng 1/2023, một số cá nhân đưa lượng lớn thiết bị máy múc công trình, xe ô tô vào khai thác đất (có màu trắng nghi là khoáng sản cao lanh) ở khu 7, xã Giáp Lai (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) gây sạt lở nghiêm trọng đã vùi lấp một máy xúc cùng thợ lái ở độ sâu hơn 10m khiến thợ lái máy xúc thiệt mạng.

Vụ việc xảy ra cách UBND xã Giáp Lai chỉ vài trăm mét. 

20230214-15223200-01-44-01still001-1676517808.jpg
Phần lớn quả đồi bị khai thác lộ ra đất có màu trắng nghi là khoáng sản cao lanh.

Theo thông tin phản ánh, trước khi xảy ra vụ sạt lở thì việc khai thác đất đã diễn ra rầm rộ khoảng 3 tháng, hoạt động khai thác đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như môi trường. 

Người dân ở đây cho biết các xe vận chuyển đất tranh thủ “chạy” do đó đều có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải che chắn sơ sài rơi vãi xuống đường, gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực. Việc này người dân đã phản ánh đến UBND xã Giáp Lai nhưng chỉ thấy họ tưới đường cho đỡ bụi chứ không thấy dừng hoạt động khai thác. 

Chỉ đến khi xảy ra tai nạn chết người thì mặt bằng tại điểm khai thác đã được san mặt bằng và dừng hoạt động.

Được biết “điểm mỏ” nói trên được UBND huyện Thanh Sơn chấp thuận phương án cải tạo đất trồng cây ăn quả giá trị cao và cho phép vận chuyển đất dư thừa để đắp nền công trình cho bà Kiều Thị Vân (sinh năm 1979 thường trú tại thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh khoảng 3 tháng qua, một số cá nhân đưa nhiều máy xúc lớn và ô tô vào khai thác đất (có màu trắng nghi là khoáng sản cao lanh) vận chuyển đi nơi khác. 

Theo thông tin phản ánh và tìm hiểu thực tế, các điểm khai thác đều có chung "kịch bản" là người dân làm đơn xin hạ cốt nền và được chấp nhận. Sau khi có "bùa hộ mệnh", các đối tượng “vô tư” khai thác cao lanh đem bán cho các nhà máy sản xuất gạch kiếm lời bất chính.

Điều đáng báo động là phần lớn kịch bản này diễn ra ngay tại các khu dân cư, tiềm ẩn không ít nguy cơ với người dân sinh sống trong khu vực.  

Xã yêu cầu dừng...huyện vẫn cấp phép?!

Trên thực tế, tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tồn tại do việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý hoạt động khoáng sản nhìn chung chưa đồng bộ; công tác phối hợp bảo vệ khoáng sản và việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn lơ là, thậm chí có nơi còn có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho hoạt động khai thác trái phép.

Đơn cử, theo thông tin phản ánh tại khu đất của gia đình bà Phương Tích (đã bán cho người khai thác?) khu 8 xã Hà Thạch, TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ nhiều ngày nay một số cá nhân đưa lượng lớn thiết bị máy múc công trình, xe ô tô vào khai thác đất (có màu trắng nghi là khoáng sản cao lanh) mang đi bán cho một số nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn.

Bà Hà Thị Hồng Dung, Chủ tịch UBND xã Hà Thạch cho biết hiện tại trên địa bàn xã Hà Thạch chưa có mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép, riêng tại khu đất của gia đình bà Phương Tích khu 8 cũng chưa được cấp phép khai thác. Hiện gia đình mới chỉ đang làm thủ tục xin cấp phép hạ cốt nền.

Ngày 13/2 UBND xã Hà Thạch đã phát hiện một số xe, máy móc tập kết khai thác tại khu đất UBND xã Hà Thạch và lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất thị xã Phú Thọ để xử lý. Thế nhưng theo ghi nhận thực tế ngay đêm ngày 13/2 tại khu đất nói trên hoạt động khai thác đất vẫn diễn ra máy múc, ô tô vẫn đều đặn “ăn đất” rồi chở đi.

20230214-15223200-06-16-18still003-1676517884.jpg
Máy múc, ô tô tải vẫn hăng say “ăn đất” ngay sau khi bị UBND xã Hà Thạch đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất thị xã Phú Thọ để xử lý

Quay trở lại vụ việc sạt lở đất khu 7, xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, trao đổi với Nhà Quản Lý đại diện UBND xã Giáp Lai cho biết ngay sau khi phát hiện tình trạng khai thác đất trái phép, UBND xã đã lập biên bản yêu cầu dừng khai thác, thế nhưng chỉ ít ngày sau họ (những người khai thác đất) đã đưa ra được văn bản của huyện Thanh Sơn cho san gạt, hạ cốt nền và cho phép vận chuyển đất dư thừa.
Liệu “kịch bản” này có được các đối tượng sử dụng lại để làm “bùa hộ mệnh” tại khu đất của gia đình bà Phương Tíchh khu 8 xã Hà Thạch, TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ?!.
 

20230214-15223200-12-24-18still004-1676517964.jpg
 

Tội khai thác khoáng sản trái phép như sau:

Tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định cụ thể:

Đối với cá nhân:

a, Phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng; Khoáng sản trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỷ đồng; Đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

b, Phạt tiền từ 1,5 - 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; Khoáng sản trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên; Có tổ chức; Gây sự cố môi trường...

 

Nhóm Phóng viên