Cuối năm 2003, trong chuyến vào công tác tại TPHCM, anh Vũ Trọng Kim, Bí thư Tỉnh ủy và anh Lê Hữu Phúc lúc bấy giờ còn là quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, có buổi gặp gỡ với bà con đồng hương Quảng Trị tại Sài Gòn. Đoàn có dịp đến thăm các công ty, nhà máy, các cơ sở sản xuất của các nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TPHCM. Trong buổi tọa đàm với các nhà doanh nghiệp, sự gợi ý của anh Vũ Trọng Kim về việc hình thành một tổ chức quy tụ các nhà doanh nghiệp Quảng Trị lại với nhau trùng với ý nghĩ từ lâu của anh em doanh nghiệp Quảng Trị tại Sài Gòn, vì thế, sau buổi tiếp đoàn, anh em ngồi lại bàn bạc cụ thể việc thực hiện.
Anh Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền đề nghị: “Trong các anh em Quảng Trị ở TPHCM, Tạ Nghi Lễ là người có nhiều “nhà”: Nhà văn, nhà báo, nhà thơ, diễn viên điện ảnh…. Tạ Nghi Lễ lại có mối quan hệ khá thân thiết với nhiều người, nhiều giới… Tôi nghĩ để tổ chức và làm cầu nối các nhà doanh nghiệp lại với nhau, không ai bằng Tạ Nghi Lễ. Rất mong Tạ Nghi Lễ đứng ra tổ chức buổi họp mặt…”.
Nghe anh Lê Quốc Phong nói rứa, nhà “nhiều nhà” Tạ Nghi Lễ giãy nảy: “Nhưng tui là dân viết lách chứ có phải nhà doanh nghiệp mô!”.
Anh Trần Quang Đổng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hồng Hà Bách Việt “trấn an”: “Việc tổ chức không nhất thiết phải là nhà doanh nghiệp. Sau này, chúng ta sẽ mời thêm các nhân sĩ, trí thức tham gia”. Rồi anh Đồng nói vui: “Tụi mình từ Quảng Trị vô Sài Gòn trên người chỉ có một bộ đồ, bây giờ có hai bộ đồ đã là lời. Huống chi, anh em chừ đã có cuộc sống tương đối ổn định, tuy không giàu có bằng ai…”.
Lời phát biểu của anh Trần Quang Đổng được anh Nguyễn Ngọc Trường, Giám đốc Công ty may mạc bảo hộ lao động Huy Trường nâng ly tán thưởng: “Đã không dzô thì thôi, đã dzô rồi thì trăm phần trăm”.
Không khí càng thân tình vui vẻ. Buổi tiệc đó ai cũng thể hiện tinh thần bằng cách giành quyền trả bill.
Ấy thế mà, do công việc bận rộn, đến ngày 12/3/2004, buổi gặp mặt đầu tiên của “Câu lạc bộ Những Nhà Doanh Nghiệp Quảng Trị tại TPHCM” mới thực hiện được. Buổi gặp mặt được tổ chức tại Hội trường khách sạn Sài Gòn, Quận 1, TPHCM với hơn 40 anh chị doanh nghiệp tham gia.
Đã từ lâu, rất nhiều anh em biết tiếng, biết mặt nhưng chưa lần nào giao lưu nên buổi họp mặt lần đầu tiên của anh em doanh nhân Quảng Trị tại Sài Gòn thật thú vị. Tất cả đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho mục đích, điều lệ, quỹ hoạt động CLB… Anh em xác định việc ra đời CLB trước là để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp nhau làm kinh tế, sau là trích một phần lợi nhuận hàng năm để ủng hộ cho chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” cho các sinh viên quê Quảng Trị, rồi lâu dài sẽ hỗ trợ thêm các sinh viên Quảng Trị đang sống khắp mọi miền đất nước.
Rồi một Ban điều hành CLB với 9 thành viên được bầu ra: anh Lê Quốc Phong làm Chủ nhiệm, nhà thơ Tạ Nghi Lễ được đề cử làm ủy viên thường trực. Ngay trong buổi họp mặt, ban điều hành đã nhận được số tiền đóng góp từ một số thành viên vào quỹ hoạt động là 50 triệu đồng. Anh Lê Quốc Phong, Chủ nhiệm phấn khởi: “Như vậy trước mắt mắt chúng ta có thể giúp ngay cho các cháu ở Quảng Trị nghèo, học giỏi, đậu cao, không có điều kiện nhập học trong niên khóa này. CLB sẽ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ để thực hiện chương trình ‘Tiếp sức đến trường” (TSĐT).
Lại nói 20 năm về trước, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết của Nhà báo Lê Đức Dục về Nguyễn Thanh Lập, cậu học trò nghèo thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị hai năm liền đậu rất cao Đại học Bách Khoa TP HCM nhưng vẫn không thể nhập học vì nhà nghèo quá. Từ bài viết về Lập, rồi sau đó là Lê Minh Hiếu ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị và bao nhiêu bài viết khác về các tân sinh viên nghèo đăng trên báo Tuổi Trẻ, báo Tuổi Trẻ đã mở chương trình mang tên Tiếp sức đến trường (TSĐT) được thực hiện từ năm học 2003-2004 mà Lập, Hiếu.. là những sinh viên Quảng Trị đầu tiên có tên trong số những tân sinh viên (SV) nhận học bổng từ chương trình này.
Năm học 2004-2005, năm đầu tiên tổ chức chương trình TSĐT nên hơi “khớp”, anh em trong CLB Những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TPHCM trù tính trao khoảng 20 suất, mỗi suất 2,5 triệu tổng cộng chừng 50 triệu. Tính toán như vậy nhưng khi Báo Tuổi Trẻ thông báo về chương trình TSĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng, có hơn 100 hồ sơ của các tân sinh viên Quảng Trị gửi về. Em nào cũng đáng được quan tâm, đáng được xem xét nhưng rồi tiền thì có hạn, biết làm sao để đáp ứng cho hết ? Nhưng rồi trước những hoàn cảnh quá khó khăn ban tổ chức đã quyết định vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm để nâng lên 30 suất, và đến phút chót đã là 33 suất, tổng trị giá 82,5 triệu đồng.
Không thể nói đấy là một số tiền lớn nhưng với 2,5 triệu đồng cho một học sinh nghèo khó vùng nông thôn số tiền ấy tương đương gần 2 tấn lúa, và với số tiền ấy các em có thể vượt qua những thách thức ban đầu của hành trình đại học.
Năm học 2005-2006 đối tượng nhận học bổng được mở rộng hơn, không chỉ các tân sinh viên mà những sinh viên đang học gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng cần được tiếp sức. Số học bổng đã gấp đôi năm trước: từ 33 suất lên 65 suất, trong đó tài trợ chính vẫn là CLB Những Nhà Doanh Nghiệp Quảng Trị tại TP HCM với 45 suất trị giá 112,5 triệu đồng.
Năm học 2006-2007, ngay sau khi các trường ĐH-CĐ, có kết quả thi một doanh nghiệp Việt Kiều quê Quảng Trị (ông Hoàng Kiều, Tổng Gíam đốc Công ty RASS ở Hoa Kỳ) đã cùng một số doanh nghiệp khác phối hợp với Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị trao 100 suất học bổng cho 57 tân sinh viên và 43 sinh viên đang học các năm tiếp theo với mức 2,5 triệu và 2 triệu đồng cho hai nhóm sinh viên tương ứng. Và CLB Những Nhà Doanh Nghiệp Quảng Trị tại TPHCM vẫn “đến hẹn lại lên” trao tiếp 60 suất học bổng nữa trị giá 150 triệu đồng (2,5 triệu đồng/học bổng).
Vậy là sau ba năm thực hiện, chỉ riêng tại Quảng Trị đã có 250 sinh viên được tiếp tục con đường học vấn nhờ vào sự đóng góp của các thành viên của CLB doanh nghiệp Quảng Trị tại TP HCM và các cá nhân hảo tâm quê Quảng Trị. Và sự giúp đỡ hiệu quả này đã được sự hưởng ứng của nhiều người Quảng Trị, không chỉ là doanh nhân mà cả những nhân sĩ trí thức, những tấm lòng Quảng Trị xa xứ đã tìm đến góp chút lòng cùng CLB giúp các tân sinh viên.
Anh Lê Quốc Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, đồng thời cũng là chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị đã từng nói: “ Tôi không bao giờ quên những ngày đi bộ 10km đến trường, vừa đi vừa bỏ mối quần áo, giao hàng để kiếm tiền mua sách bút, không quên những bữa không có cơm ăn, phải mua vài đồng bắp nổ dằn bụng. Cảnh đó không chỉ diễn ra trong thời tôi đi học mà kéo dài cả đến sau này khi tôi đi bộ đội về, đi làm. Những ngày đó rèn cho tôi ý chí tự lập cao nhưng cũng có nhiều lúc tưởng gục ngã. Nên tôi muốn giúp các em đồng cảnh, để cuộc sống bớt nghiệt ngã hơn, để hạn chế nguy cơ bỏ cuộc, để các em có thể đi nhanh hơn đến ước mơ, và trên hết, để các em tin rằng cuộc đời này thật đáng sống..”
Hầu như các thành viên trong CLB đều từng có một tuổi thơ như thế, và trong hình ảnh các tân sinh viên hôm nay, các anh chị nhìn thấy một phần hình ảnh của mình trong đó. Không ai khác, họ là những người con từ đất nghèo Quảng Trị ra đi và thành danh rồi trở về “báo đáp” với quê hương.
Đó là một Lê Quốc Phong xuất thân từ mảnh đất nghèo Mai Xá, Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị. Bố thương tật nhà nghèo lại đông anh em nên Lê Quốc Phong đã phải tự lập thân từ rất sớm. Sự thành đạt hôm nay của anh phải vượt qua bao cung đường đầy gian truân nhưng lu6n sáng chói tinh thần vượt khó để tự họ. Thế nên anh là người hưởng ứng nhiệt tình nhất quỹ TSĐT để giúp đỡ các em nghèo học giỏi, đởi đó cũng là sự chia sẻ với chính cuộc đời mình đã qua.
Đó cũng là các anh chị là doanh nhân như Trần Quang Đổng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hồng Hà- Bách Việt), Nguyễn Đặng Hiến (Tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh- Bidrico), Phan Thị Chính (Phó giám đốc Agribank Phú Nhuận); Ngô Thị Báu (Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm- FOCI), Trương Quang Hương (Giám đốc Công ty phân bón Quang Nông), Phạm Xuân Trình (Giám Đốc điều hành Công ty dệt Phong Phú), Nguyễn Ngọc Trường (Giám đốc Công ty may bảo hộ lao động Huy Trường), Nguyễn Hữu Cứ (Giám đốc Công ty văn hóa Hương Trang) , Đỗ Quang Đoán, Lê Văn Chương ..
Đó là các anh chị không là doanh nghiệp nhưng tâm huyết với quê nhà như cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ, luật sư Phan Trung Hoài, PGS-TS Ngô Hướng, anh Trần Vinh Khâm, chị Phan Thị Chính, Trương Thúy Nga,..các nghệ sĩ Hồng Hạnh, Vân Khánh, Kim Luyến…
Và cũng thật tự hào khi bên cạnh các anh chị doanh nhân lớp trước đã xuất hiện những gương mặt doanh nhân rất trẻ như Phan Diên Vỹ, Bùi Đức Liêm, Trần Mạnh Hùng, Hồ Thị Khoa Trang, Lê Huy Hà …đầy triển vọng.
Hơn thế, không gói gọn ở TP HCM, các anh chị quê Quảng Trị đang sinh sống ở nhiều địa phương khác như anh Phạm Bá Nhơn ở Bà Rịa Vũng Tàu, anh Trần Quốc Lâm, Lê Văn Chương, Lâm Kiến An.. ở Bình Phước…
Một đội ngũ thành viên “trùng điệp” như thế chính là điểm tựa tin cậy cho những tân sinh vinh nghèo sau những mùa thi. Khi cánh cổng trường đại học mở ra sẽ có rất nhiều học trò nghèo Quảng Trị cần được tiếp sức như thế này. Và chúng ta tin vào sự “đến hẹn lại lên” của chương trình bởi bên cạnh những nhà doanh nghiệp thế hệ thứ nhất, thứ hai như các các anh chị dù sinh sống làm ăn nơi đâu vẫn tấc lòng hướng vọng quê mình.
Từ chổ chỉ là một CLB của các doanh nhân quê Quảng Trị, theo thời gian CLB dần dần đã tập hợp những thành viên với nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều địa phương khác nhau, nhưng chung một tấm lòng hướng về Quảng Trị, vì vậy năm 2008 CLB Những Nhà Doanh Nghiệp Quảng Trị tại TPHCM đã chính thức đổi tên thành CLB Nghĩa Tình Quảng Trị.
Cái tên CLB Nghĩa Tình Quảng Trị đã bao hàm cái “biên độ mở” của thành viên trong tổ chức. Và thật sự CLB Nghĩa tình Quảng Trị đã ghi nhận sự tham gia đóng góp tích cực của các doanh nhân không phải gốc người Quảng Trị như anh Lê Xuân Phương (Giám đốc Công ty Thái Sơn), anh Trần Văn Thuộc (Giám đốc DNTN Nguyên Ngọc), anh Lý Thanh Tùng (Phó Tổng giám đốc Công ty Công ty cổ phần vật tư Nông nghiệp KT Cần Thơ- TFC Cần Thơ), anh Phan Hồng Nhiều (Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Phan), anh Huỳnh Sáng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Huỳnh Sáng), anh Vũ Duy Hải (Giám đốc Cổ phần Vinacam), ông Phe Hok Chhuon (Tổng giám đốc Công ty Yetak Group- Campuchia), v.v..
Sau khi CLB Những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TPHCM đổi tên thành CLB Nghĩa tình Quảng Trị, sức mạnh của CLB càng được tăng thêm. Nhìn lại chặng đường 20 năm đồng hành cùng chương trình TSĐT, hẳn các anh chị trong CLB Nghĩa Tình Quảng Trị sẽ yên lòng hơn khi các tân sinh viên Quảng Trị đã từng nhận học bổng đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định.
Em Nguyễn Thanh Lập, cậu học trò nghèo thôn An Tiêm xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong - nhân vật đầu tiên của chương trình đã tốt nghiệp kỹ sư Tin học khoa Công Nghệ Thông Tin ĐH Bách khoa TPHCM và hiện đang làm cho Tập đoàn công nghệ thông tin FPT. Anh trai của Lập là Tân tốt nghiệp khoa xây dựng ĐHBK và học tiếp Thạc sĩ.
Lê Minh Hiếu quê ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng nay đã có “thâm niên” 7 năm dạy toán ở trường THPT Vĩnh Định (Triệu Phong). Bùi Văn Minh đã đi dạy ở Vĩnh Linh. Đào Thị Hằng tốt nghiệp xuất sắc ĐH Nông Lâm Huế, đã tiếp tục tốt nghiệp xuất sắc chứng chỉ tiếng Anh EILTS và đã lấy bằng Thạc sĩ về Nông nghiệp tại Hà Lan. Nguyễn Thiện Nhàn đã tốt nghiệp kỹ sư tại trường Kĩ sư Quốc gia Val de Loire ở
Nhiều nhiều sinh viên nghèo Quảng Trị năm xưa đang từng bước trưởng thành như thế. Đó cũng chính là nguồn động lực cho các anh chị trong CLB Nghĩa Tình Quảng Trị tiếp tục đồng hành cũng chương trình TSĐT, bởi sau mỗi mùa thi đại học vẫn còn nhiều lắm những ước mơ có thể khép lại vì…nghèo!
20 năm, hàng ngàn gương mặt tân sinh viên Quảng Trị đã được tiếp sức sau mỗi mùa thi đại học. Trong số họ, mỗi người mỗi gương mặt, mỗi người một số phận, mỗi người một thách thức, nhưng nếu có một điều chung nhất, có lẽ chính là sự nghèo, cái nỗi nghèo vận vào cuộc đời, từ khắc nghiệt miền đất, từ thiên tai mưa bão, từ những may rủi đời sống bất ngờ rơi xuống gia đình. Có những năm chúng tôi thử làm một phép thống kê và con số tân sinh viên có hoàn cảnh mồ côi chiếm đến 60-70% số suất học bổng, nhiều em trong số đó mồ côi cả bố lẫn mẹ…
20 năm, không đếm hết bao nhiêu nước mắt đã rơi và nụ cười đã nở trên gương mặt những tân sinh viên và những người chung tay thực hiện chương trình TSĐT ! Có một vài thành viên CLB đã "đi xa" như Nhà thơ Tạ Nghi Lễ, anh Phan Hồng Nhiều -Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Phan...
Luận về sự vươn lên trong khốn khó, sách xưa có câu “Khốn nhi tri”-nghĩa là trong nhiều sự lớn khôn ở đời có sự khôn ngoan mà người ta có được nhờ từng trãi qua những khó khăn thách thức. Cái ý tưởng này, anh Lê Quốc Phong, Chủ nhiệm CLB Nghĩa Tình Quảng Trị vẫn thường hay nói với các tân sinh viên vào mỗi dịp trao học bổng, rằng “ các em cảm ơn chúng tôi-những nhà tài trợ đã hỗ trợ suất học bổng nhỏ nhoi, nhưng chúng tôi, những người trao suất học bổng cho các em cũng xin biết ơn các em, từ câu chuyện các em, chúng tôi học được bài học về nghị lực. Những lúc thương trường khốc liệt, câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của những tân sinh viên lại là nguồn động viên to lớn, và câu chuyện đó, mỗi năm lại nhiều hơn, tích lũy thêm cho chúng tôi sức mạnh của nghị lực.”
Hóa ra câu chuyện TSĐT, câu chuyện 20 năm qua (và thêm nhiều năm nữa) là một cặp phạm trù của niềm tin. Điều đó cũng như câu chuyện của những dòng sông, mỗi mùa mưa lũ dâng lên gây bao mất mát mùa màng, nhưng cũng sau mùa mưa lũ ấy, sông dâng tặng cho đất đai đồng bãi một lớp phù sa, rồi từ đó mọc lên lúa ngô, dâng cho người những mùa màng phong nẫm.
Mưa lũ cuộc đời đã thách thức hàng ngàn số phận các bạn trẻ, những tân sinh viên. Nhưng từ thác nguồn mưa lũ ấy đã dày lên phù sa tình người từ các Mạnh thường quân, từ các câu lạc bộ nghĩa tình, TSĐT được lập nên trên cả nước…Trên phù sa ấy, những thành viên trong CLB Nghĩa Tình Quảng Trị đã thấy những mùa quả ngọt đầu tiên, khi sau 20 năm, những tân sinh viên Quảng Trị nghèo vượt khó đã từng xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ ngày xưa thì hôm nay Lập thợ hồ nay thành kỹ sư phần mềm, Hiếu cà rem thành thầy giáo dạy toán, bé An khó nghèo nay là bác sĩ nội trú ở một bệnh viện lớn,và hàng trăm tân sinh viên những khóa đầu nay đã ra trường, có việc làm, thay đổi số phận.
20 năm qua, có thể nói hoạt động nổi bật nhất của CLB Nghĩa Tình Quảng Trị chính là đã đồng hành cùng chương trình TSĐT do báo Tuổi Trẻ tổ chức nhằm chắp cánh bay xa cho những tài năng nhưng số phận nghèo khó của quê hương Quảng Trị. Từ hiệu quả xã hội mang tính thiết thực của CLB Nghĩa Tình Quảng Trị đã dần dần hình thành các CLB Tiếp sức đến trường của Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế,…Tấm lòng của những doanh nhân miền Trung dành cho các sinh viên vẫn trĩu nặng qua từng năm học, có lẽ bởi chính các anh chị đã tìm thấy hình ảnh thời học trò gian khó của mình trong hình ảnh các bạn tân sinh viên hôm nay.