Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), ông Mai Hữu Tín chỉ mua gần 5,3 triệu cổ phiếu TTF trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký mua, tương đương tỷ lệ 53% tổng số đăng ký.
Lý do không hoàn tất giao dịch được mà ông Tín đưa ra là do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian 28/11 – 21/12, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận. Tạm tính theo giá kết phiên ngày 21/12 là 4.250 đồng/cp, ước tính ông Tín phải chi hơn 22,5 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Theo dữ liệu từ khi trở thành Chủ tịch HĐQT tại Gỗ Trường Thành tới nay, ông Mai Hữu Tín chưa mua vào cổ phiếu TTF và đây là lần đầu tiên kể từ khi tiếp quản Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên, Công ty CP Xây dựng U&I của ông Tín hiện đang nắm 29 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,37%.
Mới đây, bà Đinh Thị Kim Dung đã trở thành cổ đông lớn nhất của Gỗ Trường Thành sau khi mua vào 30,76 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,48% vào phiên giao dịch ngày 19/12. Ước tính bà Dũng đã phải bỏ ra khoảng 140-145 tỷ đồng để mua cổ phiếu TTF, nếu như giá được mua giao động từ 4.560 – 4.720 đồng/cp.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu mà bà Dung nắm giữ tăng từ 6,8 triệu đơn vị lên 37,56 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 1,65% lên 9,14%. Qua đó, bà Dung trở thành người có tỷ lệ sở hữu lớn nhất ở Gỗ Trường Thành.
Được biết, bà Dung không năm giữ bất cứ chức vụ nào tại TFF và không có liên quan đến người nội bộ của doanh nghiêp này.
Theo tìm hiểu, bà Đinh Thị Kim Dung là một trong 4 người con của ông Đinh Văn Vui, chủ của Công ty CP Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Suối Tiên Group).
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 3/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận 357 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 1.516 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Gỗ Trường Thành đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm.