Kinh doanh không tốt, Công ty Gỗ Trường Thành của doanh nhân Mai Hữu Tín tiếp tục đi vay tiền

Gia Bình

05/07/2022 08:25

TTF đã thông qua hạn mức vay vốn tại ngân hàng Vietcombank. Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp này lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, dù trước đó báo cáo lời với con số tương tự.

Báo cáo lời chuyển thành lỗ

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) lỗ ròng gần 9 tỷ đồng trong năm 2021. Dù trước đó theo báo cáo tự lập, doanh nghiệp này lại lãi ròng gần 9 tỷ đồng.

Trên báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh năm 2021 của TTF đã chuyển từ lãi ròng gần 9 tỷ đồng theo báo cáo tự lập thành lỗ ròng gần 9 tỷ đồng.

So với kết quả kinh doanh 2020, tuy doanh thu thuần và doanh thu tài chính của TTF đều tăng trưởng mạnh, lần lượt 32% và 123% nhưng do chi phí bán hàng lẫn chi phí quản lý đều tăng cao, DN này vẫn lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi ròng gần 31 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của TTF tăng 27% so với đầu năm, đạt hơn 2,838 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đều lần lượt tăng 51% và 19%, đạt 549 tỷ đồng và 934 tỷ đồng.

289581098-732011098114250-2843966263851759218-n-1656975306.png
 

Cũng tại báo cáo kiểm toán, doanh thu tài chính của TTF lại được điều chỉnh tăng từ 20 tỷ đồng lên hơn 60 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty ghi nhận thêm thu nhập từ việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành M’Drak và CTCP Vật liệu Xây dựng Trường Thành - Phước An.

Riêng báo cáo tài chính quý IV/2021, TTF ghi nhận doanh thu tăng 34,7% so với cùng kỳ lên 547,79 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 9,55 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 34,04 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 149% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 36,86 tỷ đồng lên 61,6 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 12,5%, tương ứng giảm 4,13 tỷ đồng về 28,83 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15,1%, tương ứng giảm 9,2 tỷ đồng về 51,58 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 15,1%, tương ứng tăng thêm 3,13 tỷ đồng lên 23,9 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Nếu xét hoạt động kinh doanh chính (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý IV/2021, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận âm 18,81 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 69 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty chỉ thoát lỗ nhờ ghi nhận 23,9 tỷ đồng từ lợi nhuận khác.

Lũy kế trong năm 2021, TTF ghi nhận doanh thu đạt 1.640,07 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 20,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,1% và 13,7% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2021, TTF đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 2.025 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 59 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế đạt 20,24 tỷ đồng, công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 34,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 250,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 112 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 211,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 514 tỷ đồng. Như vậy, trong năm công ty đã phải huy động dòng tiền bên ngoài để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và phục vụ hoạt động mở rộng.

Muốn vay 120 tỷ đồng

Theo đó, TTF đã thông qua hạn mức vay vốn tại ngân hàng. Gỗ Trường Thành sử dụng các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của công ty để bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng.

Cụ thể, TTF đã ra Nghị quyết vay tối đa 120 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Bình Dương. Mục đích là tài trợ các chi phí hợp pháp để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn vị sử dụng các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của Gỗ Trường Thành để bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng.

Nói về chi phí vay, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 26/4 cho biết, công ty sẽ cố gắng trả hết nợ vay cho Việt Á và tìm các tổ chức tài chính khác có mức lãi suất vay thấp hơn 8%. Dự kiến ngay trong năm 2022, bức tranh chi phí lãi vay của TTF sẽ khác biệt.

51e3470970c6aeb92fa55fa92247fc6c-1656975277.png
 

Gỗ Trường Thành do chính ông Võ Trường Thành sáng lập nên, việc đầu tư lớn trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2008 khiến công ty gặp khó khăn, nhất là mặt tài chính do hàng tồn kho và dư nợ vay cao. Năm 2016, công ty vướng bê bối lớn khi hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng và trích lập các khoản phải thu khó đòi, lộ khoản lỗ khủng.

Dàn lãnh đạo mới với ông Mai Hữu Tín đã mất nhiều năm khắc phục hậu quả cũng như huy động thêm vốn, mục tiêu giải quyết 2 vấn đề là hàng tồn kho và nợ vay. Đến cuối năm 2021, TTF công bố đã hết nợ, tín dụng trở lại bình thường. Về vấn đề hàng tồn kho, Chủ tịch HĐQT cho biết việc xử lý sẽ được hoàn thành trong quý 2/2022.

Tính đến 31/3/2022, đơn vị ghi nhận tổng nợ vay tài chính 43,1 tỷ đồng, giảm 17,5% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn giảm 9,6% còn 26,4 tỷ đồng, trong đó khoản vay Agribank – chi nhánh Bình Dương kỳ hạn 6 tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất 17,5 tỷ đồng. Còn nợ vay dài hạn tăng 53,2% lên 16,7 tỷ đồng, riêng khoản vay kỳ hạn 4 năm tại Agribank – chi nhánh Bình Dương trị giá 12,4 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, ngày 14/6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở không công bố thông tin giao dịch bán cổ phiếu quỹ và thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Gỗ Trường Thành.

HoSE cho biết, căn cứ theo quy định tại một số điều ở Thông tư, Nghị định thì TTF đã không công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ, thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết có liên quan theo quy định.

Qua đó, HoSE nhấn mạnh: “Nghiêm khắc nhắc nhở và đề nghị Gỗ Trường Thành nghiêm túc thực hiện các quy định hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán”.

Gia Bình