'Trùm giải cứu' Mai Hữu Tín chia sẻ bí quyết đằng sau các thương vụ xoay chuyển thành công

Bảo Hân

11/05/2022 11:26

Talk show “The Next Power” khám phá những bước ngoặt đổi mới sáng tạo (innovation) của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Được mệnh danh là 'trùm giải cứu', doanh nhân Mai Hữu Tín đã khai trương ghế nóng The Next Power để chia sẻ bí quyết đằng sau các thương vụ xoay chuyển thành công.

mai-huu-tin-1652240715.jpg

Hai Host của chương trình, ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ và bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng gíám đốc IBP (bên trái) và doanh nhân Mai Hữu Tín, khách mời của show The Next Power tại trường quay. Ảnh: SWorld

Tại buổi chia sẻ kéo dài hơn 40 phút trên The Next Power, "trùm giải cứu" - doanh nhân Mai Hữu Tín khuyên những người trẻ, các bạn khởi nghiệp không nên nghĩ "innovation" - đổi mới sáng tạo là cái gì quá to tát, mang tính phá huỷ.

Từ góc nhìn của người làm công tác quản trị nhiều năm, doanh nhân Mai Hữu Tín nhận định cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề nên là việc làm tốt hơn chuyện của mình mỗi ngày bằng các bước thay đổi nhỏ nhưng mà đem lại hiệu quả chung cuối cùng.

Đó cũng là một trong những bí quyết mà ông cùng các cộng sự đã thực hiện tại Gỗ Trường Thành cũng như những thương vụ xoay chuyển tình thế khác. "Sửa từng vấn đề một, từ con người tới bộ máy sản xuất, tới công nghệ, tới khách hàng, tới thị trường lớn chủ yếu,... Những thay đổi đó đều là những bước phải đổi mới nhưng kết quả cuối cùng lại đến từ rất nhiều bước nhỏ cộng lại với nhau mới ra được kết quả", ông nói.

Bên cạnh đó, nhiều "bí quyết" cũng lần đầu tiên được doanh nhân Mai Hữu Tín vén màn dưới những câu "hỏi xoáy đáp xoay" của hai người dẫn dắt là doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc IBP và ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Theo ông Mai Hữu Tín, một trong những bí quyết quan trọng là chất "lửa" của người đứng đầu. Nếu muốn cả đội ngũ cùng chung tay xoay chuyển tình thế thì người lãnh đạo không bao giờ để mình bị mất lửa. Càng khó khăn thì lửa phải càng "cháy", cho thấy sự nhiệt huyết, khát khao và cùng cả đội ngũ đi lên. Ngoài ra, đằng sau thành công là những sự đánh đổi, từ mái tóc ngả màu đến không có thời gian cho bản thân. Dù đầu tư 3 sân golf nhưng ông Mai Hữu Tín chưa bao giờ có thời gian đi đánh golf.

Chân dung doanh nhân Mai Hữu Tín

Ông Mai Hữu Tín là một trong những doanh nhân nổi bật của tỉnh Bình Dương với vai trò Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành và Phó Chủ tịch HĐQT KienlongBank.

Ông tốt nghiệp đại học ngoại ngữ TP. HCM khoa tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ xuất sắc đã mở ra những chân trời mới. Trở thành người phiên dịch cho những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, ông từng được chọn phiên dịch cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng thời, ông Mai Hữu Tín là người Bình Dương đầu tiên đạt điểm TOEFL 650.

doanh-nhan-mai-huu-tin-1645153245.jpg Doanh nhân Mai Hữu Tín

Ông Mai Hữu Tín từng là phiên dịch viên tiếng Anh cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé. Từ công việc phiên dịch, ông Mai Hữu Tín tiếp tục làm cho một vài công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam.

Đến năm 1998, khi 29 tuổi, ông quyết định khởi nghiệp thành lập công ty TNHH U&I cùng với bà Đoàn Ngọc Tố Uyên. Đây cũng có thể coi là nền móng đầu tiên cho sự ra đời của CTCP Đầu tư U&I sau này.

Sau hơn 20 năm điều hành với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Mai Hữu Tín cùng các cộng sự đã đưa U&I trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu...

Ngoài ra, ông Mai Hữu Tín còn nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám. Thương vụ M&A đầu tiên của ông Mai Hữu Tín chính là mua lại công ty sản xuất bồn nước Toàn Mỹ vào năm 2007, sau đó kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt. Cùng với những cộng sự của mình, ông Tín đã đưa Toàn Mỹ trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tại khu vực miền Nam, sau đó bán lại Toàn Mỹ cho Tập đoàn Sơn Hà vào năm 2017. Mặc dù giá trị thương vụ M&A này không được tiết lộ, nhưng chắc chắn U&I đã thu được nhiều lợi nhuận từ vụ đầu tư này.

Một thương vụ M&A khác cũng đã làm cho tên tuổi của ông Mai Hữu Tín được nâng tầm, đó chính là thương vụ Giấy Sài Gòn vào năm 2013. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, năm 2007, Giấy Sài Gòn rơi vào thời kỳ khó khăn do suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư lần lượt rút vốn. Cùng với đó là chi phí lãi vay đến thời điểm đáo hạn, khi lãi suất ngân hàng lên đến 20%/năm. Năm 2013, ông Tín đã mua lại toàn bộ cổ phần với tỷ lệ sở hữu 42,3%.

Vì câu chuyện của Giấy Sài Gòn đơn giản chỉ là thiếu vốn nên sau khi cấp đủ vốn, Giấy Sài Gòn lại hoạt động bình thường. Đến năm 2015, Giấy Sài Gòn cơ bản đi vào hoạt động ổn định và có lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn. Năm 2018, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã chi ra 91,2 triệu USD để mua 90% cổ phần của Giấy Sài Gòn. Với mức giá này, rõ ràng khoản đầu tư của ông Tín đã thu về một khoản lợi nhuận đáng kể.

Thương vụ M&A nổi nhất cũng như "liều" nhất của ông Tín và U&I có lẽ là thu gom Gỗ Trường Thành (TTF). Tại TTF, cú sốc hàng tồn kho và những nghi ngờ tạo doanh thu khống năm 2016 đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc. Sau khi mua thành công 20% vốn điều lệ của TTF, ông Mai Hữu Tín chính thức trở thành Tổng Giám đốc của TTF từ tháng 4-2017. Từ đây ông cùng với U&I và sau này là Sứ Thiên Thanh bắt đầu hành trình vực dậy và xây dựng thương hiệu Gỗ Trường Thành trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á, dưới thương hiệu mới Total Furniture.

Ngoài những thành tích trên, ông đảm nhận nhiều chức vụ khác như: Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XII – XIII và Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), Chủ tịch Liên Đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới.

'The Next Power" - Talk show khai phá “điểm nghẽn” của doanh nghiệp

Talk show “The Next Power” khám phá những bước ngoặt đổi mới sáng tạo (innovation) của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Talk show được dẫn dắt bởi ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), và bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM và nguyên TGĐ Vintech City (Vingroup).

“The Next Power” sẽ cùng các doanh nhân khách mời khám phá câu chuyện tìm kiếm “sức mạnh mới” bằng đổi mới sáng tạo, đưa doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong quá trình phát triển. Chương trình ứng dụng robot tương tác trực tiếp với khán giả và phát sóng hàng tuần trên nhiều nền tảng số.

11-1652062198.png

Ông Lê Trí Thông (trái) và bà Trương Lý Hoàng Phi (phải) dẫn dắt talkshow “The Next Power” cùng robot trợ lý công nghệ Ohmni (giữa)

“Thông thường khi chúng ta nói tới đổi mới, mọi người hay nhìn về sản phẩm công nghệ mới, sản phẩm mới”, ông Lê Trí Thông cho biết. “Nhưng với The Next Power, chúng tôi sẽ nhìn vào những chiến lược cả cũ và mới mà có thể giải cứu và xoay chuyển được trạng thái doanh nghiệp.”

Theo đó, đơn vị sản xuất S-World cùng Báo điện tử VnExpress sản xuất chuỗi talk show “The Next Power” nhằm đồng hành khai phá các “điểm nghẽn” thường gặp trong quá trình phát triển các doanh nghiệp, cập nhật xu hướng và tiên phong khai phá sức mạnh mới, kiến tạo giá trị mới cho doanh nghiệp.

Talk show được dẫn dắt bởi doanh nhân, “shark” Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM và nguyên TGĐ Vintech City (Vingroup), sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IBP và ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Cả hai là chuyên gia hàng đầu có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp và đồng sáng lập IBP -  đơn vị đi đầu trong mảng tư vấn đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đây cũng là lý do “Shark” Phi nhận lời tham gia dẫn dắt chương trình với mong muốn phổ biến những góc nhìn innovation một cách toàn diện hơn.

“Mình thường sảng khoái nhất là khi có được một công thức nào đó trong chuyện đổi mới. Nhưng một trong những nét đẹp của đổi mới sáng tạo đó là đôi khi dù mình làm đúng công thức nhưng không chắc là mình tạo ra kết quả thành công tương tự”, bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ. “Đó là lý do chúng ta cần khám phá hàm lượng giá trị cho mỗi lần đổi mới và tiếp tục thực hiện quá trình này mỗi ngày trong doanh nghiệp.”

Tiền thân của “The Next Power” là chuỗi talk show Nguy-Cơ với các nhà quản trị doanh nghiệp trước khó khăn của đại dịch COVID-19 như tập đoàn bất động sản Cen Group, nền tảng thương mại điện tử Lazada, tập đoàn công nghệ FPT, “ông trùm” truyền thông Yeah1!, hay các doanh nhân gốc Việt thành công tại Thung lũng Silicon như Sonny Vũ, Kendrick Nguyễn, Vũ Duy Thức. Talkshow đã được phát hành trên 7 nền tảng, thu về hơn 10 triệu lượt xem. Với hơn 50 nhân vật doanh nhân truyền cảm hứng, talk show thu hút và nhận phản hồi tích cực của khán giả đến từ 15 quốc gia.

“Với việc liên tục ứng dụng những sản phẩm trí tuệ của người Việt toàn cầu như Robot trợ lý công nghệ Ohmni, ghế Mishima được in nguyên khối từ sợi carbon, hay trường quay ghi hình tại Landmark 81, “The Next Power” là nơi để các doanh nhân chia sẻ về câu chuyện đổi mới, sáng tạo, biểu trưng cho khát vọng vươn tầm thế giới của người Việt. “The Next Power” sẽ đổi mới sáng tạo ngay trong cách làm chương trình, mang thông điệp về một thế hệ Việt Nam đầy khát vọng và mang tầm nhìn quốc tế”, bà Đặng Soan, giám đốc sản xuất chương trình và CEO công ty truyền thông S-World cho biết.

“The Next Power” sẽ được phát sóng vào thứ Năm hàng tuần trên VnExpress và đa phương tiện bao gồm các nền tảng Facebook, Youtube và TikTok.

Bảo Hân