Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ: Vietravel “rã đông tích cực” sau “ngủ đông” bằng việc tái cấu trúc

Yến Nhi

20/06/2022 11:36

Tại talk show “The Next Power” sản xuất bởi S-World và VnExpress mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel chia sẻ về câu chuyện chiến lược “rã đông” của Vietravel sau đại dịch Covid-19.

nguyen-quoc-ky-1655699647.jpg
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel

Với gần 40 năm lăn lộn trong ngành, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp cũng như chưa được đầu tư xứng đáng dù được đưa vào là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Tại talk show “The Next Power” sản xuất bởi S-World và VnExpress mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel chia sẻ về câu chuyện chiến lược “rã đông” của Vietravel sau đại dịch Covid-19.

Táo bạo ra mắt hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam ngay trong tâm dịch năm 2020-2021, Tập đoàn Vietravel gặp nhiều khó khăn tài chính để cân bằng kinh doanh trong một thế giới nhiều biến động. Thế nhưng công ty “rã đông tích cực” sau “ngủ đông” bằng việc tái cấu trúc trở thành một tập đoàn du lịch và lữ hành sở hữu hệ sinh thái kinh doanh tuần hoàn.

Công thức “rã đông” của Vietravel

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ: “Sau dịch chúng ta thấy ngành du lịch, ngành công nghiệp không khói bị tan tác nhưng Vietravel biến tất cả những thất thoát, mất mát, thiệt hại đó trở thành kinh nghiệm, bài toán và mục tiêu để giải quyết từng bước, từng ngày”.

Trước dịch, công ty có 64 văn phòng đại diện trên toàn quốc, sau dịch chỉ còn lại 29. Vì nguồn tài chính gần như cạn kiệt, do đó Vietravel ưu tiên tập trung vào những khâu chính, giữ vững bộ phận cốt yếu.

Ông Kỳ cho biết công ty cần “cắt rất sâu” để giảm bớt chi phí, dùng nguồn lực đó chuyển về để phục vụ tái cấu trúc. Theo đó, công ty phân loại, tính toán hoạt động kinh doanh theo một số nguyên tắc, ví dụ như quy luật 80/20, sau đó quyết định giữ lại thị trường nguồn, còn thị trường điểm đến thì phát triển chậm lại hoặc có thể tạm đóng lại.

Trước dịch, Vietravel là một công ty du lịch và các hệ sinh thái chưa rõ ràng, nhưng sau đại dịch công ty định vị lại hệ sinh thái với 3 lĩnh vực lớn: lữ hành; vận tải - hàng không; thương mại - dịch vụ.

Đồng thời, Vietravel liên kết với rất nhiều đơn vị từ khách sạn, vận chuyển, dịch vụ tư vấn visa, hướng dẫn viên du lịch, khu vui chơi, ẩm thực... để cùng nhau “rã đông nhanh” và hồi phục trở lại. “Chúng tôi quan niệm trước và sau dịch khác nhau ở ‘change’ (thay đổi) và ‘cooperate’ (hợp tác)”, vị lãnh đạo Vietravel nói.

Chủ tịch Vietravel đánh giá rằng ngành du lịch khi còn “khỏe mạnh” thì “mỗi ông đi một kiểu”, nhưng khi đã bị thương thì sẽ kết nối lại, đó là sự thuận lợi và cần thiết giúp chóng hồi phục hơn.

Chẳng hạn trước đây, Vietravel mạnh về du lịch nước ngoài còn du lịch trong nước chỉ ở mức độ trung bình. Tuy nhiên sau dịch thì tập đoàn tập trung nguồn lực để khai thác toàn bộ sản phẩm, cảnh đẹp trong nước và thu hút khách nội địa.

Từ sự thay đổi tư duy, cấu trúc bên trong, sản phẩm mới được tạo ra với cách tiếp cận khách hàng mới. Có thể kể đến từ năm 2021, Vietravel Airlines là hãng hàng không đầu tiên có hướng dẫn viên du lịch chịu trách nhiệm thông báo các thông tin du lịch như thời tiết, địa danh, ẩm thực của điểm đến.

vietravel-1-1655544288.jpg

Bên cạnh đó, công ty cũng thay đổi rất nhiều vào công nghệ với việc chuyển đổi số. Sau dịch, công ty đóng bớt hệ thống offline và đẩy mạnh online, không chỉ trên web mà còn trên ứng dụng cũng như trên các sàn thương mại điện tử: Tiki, Shopee, Lazada.

“Ngành du lịch phải được tái cấu trúc”

Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam tăng lên 8 bậc trong xếp hạng Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2021, mức tăng điểm cao nhất trong 117 nền kinh tế trên thế giới.

Tuy nhiên với gần 40 năm lăn lộn trong ngành, ông Kỳ chia sẻ rằng du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp, vẫn còn “khá nắng mưa” cũng như chưa được đầu tư xứng đáng dù được đưa vào là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin.

 “Bản chất ngành du lịch vẫn mang tính ăn xổi ở thì, đụng đâu làm đấy chứ chúng ta vẫn chưa thật sự xem du lịch là ngành công nghiệp không khói”, ông Kỳ chia sẻ.

Ông Kỳ dẫn chứng vụ việc toàn bộ nền san hô ở Hòn Mun - Nha Trang bị tẩy trắng với sự biến mất của hệ sinh thái. Hòn Mun vốn là vườn sinh cảnh quốc gia nhưng việc khai thác du lịch quá mức dẫn đến hệ sinh thái bị tàn phá. Điều này đã được nói đến 20 năm nay nhưng đến giờ nhận thấy thì đã muộn.   

“Bản chất câu chuyện là chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng du lịch. Du lịch cần phải thực chất, phục vụ nhu cầu con người. Du lịch thể hiện trình độ văn minh của một xã hội và sự phát triển của một nền kinh tế. Ngành du lịch phải tái cấu trúc lại”, ông  Kỳ nhấn mạnh.

Đồng thời theo vị lãnh đạo của Vietravel thời kỳ “bình thường mới” của ngành du lịch chỉ trở lại vào năm 2024-2025 do thời gian chữa lành phải mất 2-3 năm. Hầu hết các quốc gia sẽ mở cửa du lịch vào khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và đặc biệt là ba thị trường khách nước ngoài chính của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông cũng đánh giá từ năm 2023-2025 là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được định hình trở lại, tâm lý xã hội và yêu cầu xã hội theo đó cũng được cải thiện hoàn toàn và “khi đó, chúng ta sẽ thấy một thế giới phẳng như năm 2019”.

“Nếu chúng ta không thay đổi nhanh, biến hình nhanh mà còn lưu luyến thì sẽ bị bỏ lại”, ông Kỳ nói.

Yến Nhi