Nắm được các bộ phận cơ bản trên xe ô tô giúp tài xế chủ động lái xe an toàn trong nhiều tình huống. Đặc biệt trong quá trình chăm sóc bảo dưỡng xe hơi sẽ thuận tiện hơn nhiều khi tài xế biết được các bộ phận hỏng hóc cần thay thế, bảo dưỡng.
Ngoại thất
Nắp ca-po: Là phần kim loại ở phần đầu xe có tác dụng bảo vệ phần khoang động cơ. Bạn có thể dễ dàng đóng mở để kiểm tra và sửa chữa các bộ phận bên trong.
Lưới tản nhiệt: Hầu hết những mẫu xe ô tô ngày nay đều được trang bị lưới tản nhiệt. Lưới tản nhiệt có tác dụng bảo vệ bộ tản nhiệt và động cơ, đồng thời cho phép không khí luồn vào bên trong xe.
Đèn pha: Là thiết bị chiếu sáng được đặt phần mặt trước của xe. Đèn pha là thiết bị chiếu sáng có cường độ mạnh và tập trung. Đèn pha có thể chiếu sáng trong 100 m, sử dụng vào ban đêm ở ngoài khu đô thị. Đèn pha có thể được dùng kết hợp với đèn cốt (đèn chiếu gần) trong cùng một chóa đèn, hoặc lắp bổ sung cho độ chiếu sáng tối ưu.
Cản: Là một bộ phận tăng cường hoặc được tích hợp sẵn ở các vị trí phía trước và phía sau của một chiếc xe hơi. Cản trước và cản sau ô tô có chức năng gánh chịu và hấp thụ các tác động trong một vụ va chạm, và tất nhiên, nó sẽ giúp bạn giảm thiểu chi phí sửa chữa.
Kính chắn gió: Là một bộ phận rất quan trọng và rất cần thiết trên xe ô tô . Kính ô tô ngoài việc chắn gió, chắn bụi và mưa, nó còn tham gia vào việc tăng độ cứng vững chắc cho kết cấu xe và bảo vệ an toàn cho hành khách trong mọi các tình huống gây va chạm.
Gương chiếu hậu: (rear-view mirror hay rear-vision mirror) là loại gương được gắn trên xe hơi nói chung và trên một số phương tiện giao thông khác. Đây là loại gương được thiết kế để cho phép người lái xe có thể quan sát phía sau, đảm bảo an toàn khi điều khiển.
Xem thêm: Điểm qua vai trò và tính năng của các nút điều khiển trên ô tô
Nội thất
Vô lăng: Là một trong những bộ phận thuộc hệ thống lái xe ô tô, có dạng hình tròn và được tài xế trực tiếp dùng để điều khiển các hướng di chuyển của xe.
Bảng đồng hồ: Là một hệ thống thông tin trên xe bao gồm các bảng đồng hồ (táp-lô), màn hình và các đèn báo giúp tài xế và người sửa chữa biết được thông tin về tình trạng hoạt động của các hệ thống chính trong xe. Thông tin có thể truyền đến tài xế qua 2 dạng: tương tự (táp-lô kim) và số (táp-lô hiện số).
Đồng hồ tốc độ: Đồng hồ tốc độ trên bảng điều khiển là quan trọng nhất trên xe ô tô. Nó sẽ cho bạn biết là xe bạn đang chạy nhanh như thế nào, bao nhiêu km/h.
Đồng hồ vòng tua: Là công cụ đo tốc độ quay của trục khuỷu động cơ, hiển thị số vòng/phút (RPM - Revolution per minute). Đối với xe số sàn, thông số này có ý nghĩa quan trọng, cho biết động cơ có đang hoạt động trong dải mô men xoắn tối ưu và tốc độ không tải có đạt chuẩn hay không. Cho bạn biết động cơ hoạt động mạnh như thế nào. Hầu hết các đồng hồ đo RPM sẽ có các vùng màu đỏ bắt đầu từ 6.000 hoặc 7.000 RPM. Khi RPM đi vào vùng màu đỏ, thì bạn nên giảm tốc độ.
Đồng hồ đo nhiên liệu: Cho bạn biết còn lại bao nhiêu nhiên liệu trong bình xăng. Nó thường có mặt số, giống như kim đồng hồ di chuyển giữa "F" (Full: đầy) và "E" (Empty: trống). Một số xe hiện đại có đồng hồ đo nhiên liệu kỹ thuật số.
Bàn đạp ga: Khi tác động lực lên bàn đạp ga, xe sẽ chạy nhanh hơn. Bàn đạp ga được điều khiển bởi chân phải và có công dụng kiểm soát lượng nhiên liệu bơm vào động cơ. Bàn đạp ga phản ứng rất nhanh nhạy dù lực tác động không lớn.
Bàn đạp phanh: Bộ phận này được điều khiển bởi chân phải và sử dụng trong trường hợp muốn giảm tốc độ hoặc dừng hẳn xe. Thời gian và quãng đường để xe phanh phụ thuộc vào lực tác động lên bàn đạp. Tuy nhiên, tốt nhất người lái nên tăng áp lực dần dần cho đến khi xe đạt được tới điểm dừng một cách nhẹ nhàng, tránh phanh gấp.
Bàn đạp ly hợp (chỉ có trên xe số sàn): Bàn đạp này được điều khiển bằng chân trái của người lái và sử dụng khi muốn điều khiển xe ra khỏi một vị trí cố định, chuyển số và dừng xe mà không làm cho động cơ bị tắt đột ngột. Để xe chuyển động không bị rung giật, khi nhả bàn đạp ly hợp cần thực hiện theo trình tự: Khoảng 2/3 hành trình đầu nhả nhanh cho đĩa ma sát của ly hợp tiếp giáp với bánh đà, khoảng 1/3 hành trình sau nhả từ từ để tăng dần mô men xoắn truyền từ động cơ đến hệ thống truyền lực. Khi nhả hết bàn đạp ly hợp, người lái nên đặt chân xuống sàn xe để tránh hiện tượng trượt ly hợp.
Cần số: vận hành cùng với bộ ly hợp. Việc điều khiển cần số sẽ tác động lên sự ăn khớp giữa các bánh răng trong hộp số, làm thay đổi sức kéo và tốc độ chuyển động của ô tô.
Những kiến thức trên thường không được chú ý, song những điều này sẽ giúp người sử dụng điều khiển xe một cách linh hoạt, từ đó tối ưu hóa khả năng vận hành cho chiếc xe.
Có thể bạn quan tâm: Top 5 mẫu xe thoải mái nhất năm 2020
(Nguồn ảnh: Internet)