Bé gái 17 tháng tuổi mắc bệnh hiếm 1 triệu trẻ mới có 1 người bị

Xuân Mai

16/05/2024 10:48

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi 17 tháng tuổi bị sỏi niệu quản. Đây là trường hợp mắc sỏi niệu quản nhỏ tuổi nhất Việt Nam. 

Trường hợp đặc biệt trong ngành tiết niệu

Bố bệnh nhi N.Q.M.N (sinh năm 2022) cho biết, thấy con quấy khóc từ sáng sớm nhưng gia đình không rõ nguyên nhân, chỉ nghĩ trẻ em quấy thông thường nên dỗ dành cho bé ngủ. Hai hôm sau con liên tục quấy khóc kèm theo hành động lấy tay xoa bụng. Lúc này, gia đình mới nghi ngờ cháu đau bụng nên đưa vào viện kiểm tra.

be-nqmn-17-thang-tuoi-pld-1715831156.png
 Bé N.Q.M.N 17 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng quấy khóc liên tục và bị tiêu chảy.

Việc thăm khám ban đầu hết sức khó khăn do bé quá nhỏ, chưa biết diễn tả cơn đau, chỗ đau như thế nào. Bằng kinh nghiệm với sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện đã chẩn đoán ra bé có sỏi ở vị trí 1/3 niệu quản dưới, kích thước viên sỏi là 4mm. 

Ths.BS Trần Quý Dương – Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết: “Với người lớn viên sỏi niệu quản kích thước 4mm là rất bình thường nhưng với một em bé hơn 1 tuổi, thì kích thước như vậy cực kỳ lớn so với cấu trúc cơ thể của bé. Việc tán sỏi ở trẻ nhỏ cũng là vấn đề rất lớn bởi vì đường kính niệu quản chỉ khoảng 1mm”. 

Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ Bệnh viện đã lên nhiều phương án xử lý sỏi đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất. Sau khi sử dụng thuốc đào thải sỏi không thành công, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser.

benh-nhi-duoc-gay-me-pld-1715831133.jpg
Bệnh nhi được gây mê với liều lượng an toàn chuẩn bị cho bước nội soi tán sỏi.

Đây là một kỹ thuật tán sỏi theo nguyên tắc là ống mềm đi ngược dòng từ niệu đạo, qua bàng quang, niệu quản và lên thận. Lúc này bác sĩ nội soi sẽ sử dụng tia laser phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và hút ra ngoài. Với trường hợp bé N.Q.M.N do còn nhỏ tuổi, bác sĩ phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng rất nhỏ, dành cho trẻ em. Điểm đặc biệt ở phương pháp này là trẻ không đau, không có sẹo trên cơ thể, hồi phục nhanh. Khoảng 10 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhi đã có thể sinh hoạt bình thường.

Triệu chứng sỏi thận và sỏi tiết niệu ở trẻ

Sỏi niệu quản là một trong các loại sỏi đường tiết niệu thường gặp ở người lớn. Ở trẻ em, tỷ lệ bị sỏi tiết niệu rất thấp, do đó, đa số phụ huynh chủ quan với bệnh lý này. 

Nguyên nhân thường do môi trường, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, di truyền hay dị dạng đường tiết niệu. Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như rối loạn chuyển hóa, toan hóa ống thận,... Nếu không điều trị kịp thời, sỏi có thể gây bít tắc đường lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang, để lại các biến chứng như: ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận, suy thận cấp, suy thận mạn,...

Đối với trường hợp bé N.Q.M.N được đánh giá là em bé nhỏ tuổi nhất Việt Nam bị sỏi niệu quản. “Đây là một trường hợp rất hiếm gặp, rất khó để chỉ ra một nguyên nhân cụ thể, một số yếu tố dẫn đến kết đọng sỏi có thể do chế độ dinh dưỡng của bé” – Ths.BS Trần Quý Dương cho biết thêm.

thsbs-tran-quy-duong-pld-1715831134.png
Ths.BS Trần Quý Dương – Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Do đó, để tránh nguy cơ tái phát sỏi trong tương lai, bác sĩ cũng đã tư vấn cho gia đình về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, cũng như lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp sỏi tiết niệu, Bác sĩ Dương cũng đưa thêm một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh để phòng các bệnh lý về sỏi thận, trong đó có sỏi tiết niệu như: Bổ sung lượng canxi cho trẻ phù hợp bằng cách sử dụng linh hoạt các thực phẩm giàu canxi; khuyến khích con vui chơi vận động nhiều; đặc biệt là cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. 

Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý trẻ có biểu hiện như trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, la hét mỗi lần đi tiểu cần đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để được thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Xuân Mai