Bất chấp dịch bệnh, lợi nhuận 6 tháng nhiều ngân hàng gấp đôi, gấp ba cùng kỳ

Quốc Thụy

30/06/2021 20:57

VietinBank, LienVietPostBank, MSB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Trong bối cảnh hoạt động cho vay tiếp tục khởi sắc, lợi nhuận nhiều ngân hàng được dự báo sẽ tăng gấp đôi, gấp ba cùng kỳ 2020.

Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 13.000 tỷ đồng. 

Như vậy, lợi nhuận mà VietinBank tạo ra trong nửa đầu năm nay cao hơn khoảng 74% so với cùng kỳ 2020.

VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2021 đạt 8.060 tỷ đồng. Theo đó, ước tính lợi nhuận quý II/2021 của ngân hàng đạt khoảng 5.000 tỷ, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết thêm, tài sản riêng lẻ của ngân hàng đến hết tháng 6 đạt 1,4 triệu tỷ đồng. Dư nợ tăng trưởng tín dụng lên 1,06 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2020. Về huy động vốn, đến cuối tháng 6 đạt 1,2 triệu tỷ, tăng 3,4%.

LienVietPostBank cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng lãi khoảng 340 tỷ đồng. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6 thì lợi nhuận của LienVietPostBank nửa đầu năm sẽ vượt 2.000 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong thông báo mới đây, MSB cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự tính đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm.

Tại ACB, tuy không tiết lộ con số mới nhất nhưng lãnh đạo ACB cho biết, lợi nhuận quý II/2021 của Ngân hàng đang được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, cho dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao. Được biết, kết thúc quý I/2021, dự phòng rủi ro của ACB tăng 6,5 lần cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận vẫn tăng trưởng 61%, đạt hơn 3.104 tỷ đồng.

Theo SSI Research, chi phí dự phòng ACB tăng mạnh do ngân hàng đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. SSI Research kỳ vọng diễn biến tương tự sẽ không còn tiếp diễn ở các quý sau.

Ngoài những cái tên nêu trên, lợi nhuận của một loạt ngân hàng được dự báo sẽ bật tăng mạnh trong quý II khi hoạt động cho vay – mảng đem lại nguồn thu chính - bứt tốc mạnh mẽ . Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 có thể đạt 5,5-6%, cao hơn mức tăng 3,6% của cùng kỳ 2020. Nhiều ngân hàng đã tăng trường tín dụng chạm trần từ đầu tháng 6 và đang đề xuất nới ‘’room”.

Trước đó, lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 52.400 tỷ đồng, tăng gần 80% với 15 nhà băng có ghi nhận lãi trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần như SCB (gấp gần 7 lần cùng kỳ), MSB (gấp hơn 4 lần), Nam A Bank (gấp hơn 3 lần), thậm chí Kienlongbank còn tăng trưởng gấp 12 lần cùng kỳ. 

z2584847325152-bfbbf7cc70aa6cb47fc92855f7e2f87c-1625050754-1625061415.jpg

Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp

Tại báo cáo chiến lược tháng 6/2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh. 

Cụ thể, mức tăng trưởng lợi nhuận được dự báo đạt khoảng 27% nhờ 2 yếu tố chính: Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.

Cũng theo VDSC, những thông tin liên quan tới việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại một loạt ngân hàng tư nhân (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng cho phép), các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức để tăng vốn điều lệ, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, sẽ là những yếu tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.

Trong năm 2021, FiinGroup kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ tăng trưởng 23,8%. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao; đẩy mạnh cho vay sau khi tăng quy mô vốn chủ; áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không lớn nhờ Thông tư 03 và thu nhập từ hoạt động dịch vụ đang không ngừng tăng trưởng cao.

Quốc Thụy