Bài học từ bê bối của những ông lớn

dang.pham

25/01/2020 12:44

Sự sụp đổ hoặc khủng hoảng của WELP - bốn cái tên lớn WeWork, Enron, Lehman Brothers và Pets Dot Com - đã để lại nhiều bài học kinh doanh đắt giá.

1. Cú ngã của siêu kỳ lân WeWork

WeWork là gì?

WeWork là startup chuyên đi thuê hoặc mua lại những không gian văn phòng, đôi khi chỉ là một hoặc hai tầng trong một tòa nhà văn phòng nào đó, cải tạo lại thành những không gian văn phòng hoặc không gian làm việc chung rồi cho thuê lại.

Phí tổn của WeWork

Chi phí duy trì mặt bằng của WeWork không rẻ. Trong báo cáo trước tiến hành IPO (đã bị hoãn), WeWork cho biết nợ dài hạn của họ lên đến con số 17,9 tỉ USD. Trụ sở hiện tại của WeWork là tòa nhà Lord & Taylor, được mua lại từ hãng Hudson’s Bay với giá 850 triệu USD vào đầu năm 2019 và WeWork được cho là đã chi khoảng 438 triệu USD để tu tạo lại tòa nhà.

Cú IPO tai tiếng

Ngày 30.9.2019, WeWork chính thức hoãn IPO. Vào thời điểm đó, định giá của WeWork “bốc hơi” từ 47 tỉ USD xuống chỉ còn khoảng 8 tỉ USD. Theo số liệu tài chính quý III.2019, WeWork báo cáo doanh thu 934 triệu USD nhưng lỗ ròng 1,25 tỉ USD.

CEO từ chức

Ít ngày trước khi hoãn IPO, CEO kiêm nhà sáng lập của WeWork là Adam Neumann đã từ chức và WeWork phải nhận gói cứu trợ từ nhà đầu tư lớn nhất SoftBank để tránh rơi vào tình trạng cạn tiền mặt. Kế hoạch cắt giảm nhân sự hàng loạt đã được đề ra và công cuộc cải tổ dường như mới bắt đầu.

2. Enron và cuộc phá sản thế kỷ

Enron là ai?

Enron được thành lập từ cuộc sáp nhập hai công ty trong lĩnh vực năng lượng là Houston Natural Gas và InterNorth Incorporated với Kenneth Lay giữ chức CEO kiêm chủ tịch. Dưới bàn tay Lay, Enron không chỉ sản xuất điện năng, khí đốt và năng lượng, mà họ còn kiếm lời dựa trên hoạt động giao dịch các hợp đồng mua bán điện của người dùng thông qua trang web EnronOnline, một sáng kiến được xem là “sáng tạo” vào thời điểm bấy giờ. Khi những gian lận trong sổ sách và thổi giá cổ phiếu bị tiết lộ, Enron chính thức phá sản vào tháng 12.2001. Công ty này từng báo cáo doanh thu lên đến 138 tỉ USD, đứng thứ sáu trong danh sách Global 500 của tạp chí Fortune. Trước đó, trong bốn năm từ 1996 đến 2000, Enron tự nhận đạt mức tăng trưởng doanh thu không tưởng lên đến 750%.

Mánh khóe “Mark-To-Market” (ghi nhận theo giá thị trường)

Theo cách này, Enron cho khởi công xây dựng một nhà máy điện mới với chi phí (ví dụ) 10 triệu USD, rồi họ “dự báo” nhà máy này sẽ mang về lợi nhuận tương lai là 30 triệu USD. Và ngay lập tức, Enron viết vào sổ sách của mình con số lợi nhuận 20 triệu USD, trong khi nhà máy này hiện còn chưa xây xong. Nghe thì phi lý, nhưng đây chính là một trong những mánh khóe Enron làm để qua mặt tất cả. Ngoài ra, Enron còn thao túng hãng kiểm toán Arthur Andersen để “làm đẹp” các số liệu tài chính.

Cái “chết” của nhà đầu tư

Các nhà đầu tư, bao gồm rất nhiều nhân viên sở hữu cổ phiếu công ty của Enron, mất tổng cộng 74 tỉ USD sau khi Enron phá sản.

x

3. Sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers

Sau Enron, sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers trở thành vụ phá sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ với khoản nợ lên đến 619 tỉ USD. Trước khi phá sản vào năm 2008, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ với 25.000 nhân viên toàn cầu.

Cái chết” từ những khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn (subprime mortage)

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản thế chấp dưới chuẩn 2007-2008 đã góp phần lớn vào sự sụp đổ của Lehman Brothers. Thử tưởng tượng, bạn muốn mua một căn nhà với giá (ví dụ) 10 đồng với mục đích bán lại với giá 11 đồng (lãi 10%). Nhưng vì hiện bạn mới chỉ có 1 đồng, nên bạn muốn vay ai đó 9 đồng với lãi suất 9%.

X

Như vậy, nếu mọi chuyện thuận lợi, bạn sẽ kiếm được 11 đồng, và sau khi trả 9,81 đồng cho người này, bạn vẫn còn lại 1,19 đồng lãi. Nhưng nếu căn nhà bạn mua không thể bán với giá 11 đồng mà thấp hơn nhiều thì sao? Bạn lâm vào rắc rối to, và đây chính là vấn đề chính của Lehman Brothers, khi ngân hàng này cho vay quá nhiều để đầu tư vào những bất động sản không có khả năng sinh lời. Vấn đề này còn trầm trọng hơn vì hoạt động chứng khoán hoá để biến các khoản cho vay mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản (MBS, CDO) đầy rủi ro cung cấp cho thị trường. Có thể nói, sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn 2007-2008 đã góp phần lớn vào sự sụp đổ của Lehman Brothers.

4. Pets.com - Bong bóng IPO công nghệ đời đầu

Pets.com, một trong những dịch vụ bán hàng cho thú cưng qua mạng đầu tiên tại Mỹ, được xem là một case study kinh điển về thất bại của một doanh nghiệp thương mại điện tử thời kỳ đầu. Pets.com đã gọi được 300 triệu USD chỉ trong vòng hai năm từ 1998 đến 2000, thời điểm bùng nổ các doanh nghiệp Internet. Trong số những nhà đầu tư ban đầu vào Pets.com có cả Amazon, vốn có lúc sở hữu đến 30% cổ phần trong công ty này. Sau rất nhiều chiến dịch quảng bá rầm rộ trên truyền thông, Pets.com tiến hành IPO vào tháng 2.2000 và gọi được 82 triệu USD, và tuy doanh số có tăng nhờ hoạt động quảng bá, việc quản lý kinh doanh kém cộng với việc “đốt tiền” quá nhanh đã khiến Pets.com chính thức đóng cửa chỉ vài tháng sau đó, biến những nhà đầu tư vào công ty thành nạn nhân nổi bật đầu tiên của “bong bóng dotcom” đầu những năm 2000.

X

Theo giới phân tích, thất bại của Pets.com nằm ở những nguyên nhân chủ yếu sau: 

  • Mô hình kinh doanh không rõ ràng. Trước khi ra mắt trang Pets.com, công ty không tiến hành khảo sát thị trường.
  • Quản lý thu chi không tốt. Pets.com lỗ trên mỗi đơn hàng vì họ bán hàng chỉ bằng 1/3 giá gốc, chưa kể phải liên tục giảm giá và miễn tiền chuyển hàng. Cuối cùng, giá cổ phiếu Pets.com lao dốc từ 14 USD xuống chỉ còn 22 xu Mỹ, và công ty phá sản chỉ sau chín tháng IPO.

Tạp chí Nhà Quản Lý
Bài viết được trích từ Báo cáo đặc biệt "Bài học từ cú ngã của kỳ lân" - Xem thêm tại đây

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Bài học từ bê bối của những ông lớn" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.