Bà Đinh Thị Thanh Loan: Du lịch Quảng Bình cần bứt phá ngoạn mục để xứng tầm “tiềm năng”

Hồ Ngọc-Thanh Thanh

27/10/2022 13:47

Du lịch Việt Nam và thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ trong quảng bá và xúc tiến sản phẩm, đặc biệt sau chuỗi ngày “tê liệt” vì đại dịch Covid 19. Nắm bắt cơ hội để bứt phá trong cuộc đua du lịch, điều đó phụ thuộc vào chính sự chủ động của mỗi cá nhân doanh nghiệp, chính quyền sở tại có những động thái tích cực cho ngành du lịch. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Đinh Thị Thanh Loan- Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình - Phó Chủ tịch du lịch Cộng Đồng Việt Nam.

310067669-888445345485640-3392021996088538670-n-1666853011.jpg
Bà Đinh Thị Thanh Loan- Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình - Phó Chủ tịch du lịch Cộng Đồng Việt Nam.

PV: Thưa bà, năm 2021 đại dịch Covid 19 đã giáng một đòn “trí mạng” cho tất cả các ngành nghề, nhưng ngành dịch vụ, du lịch chắc chắn bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Vậy với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp của bà chắc cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn đó? Để tìm đường cho “kịch bản” du lịch hồi phục sau Covid 19, chắc hẳn bà có sự chuẩn bị chu đáo?

Bà Đinh Thanh Loan: Thật ra, sau hơn 2 năm hơn đầy biến động “đen tối” của ngành du lịch, bản thân tôi, cũng phải học cách “bình thản”, sống chung với những cú đánh “tơi bời” do yếu tố khách quan tác động đến công việc của mình. Bạn hình dung được không? Nhà hàng, công ty đóng cửa, ngân sách thuê mướn mặt bằng, nhân công vẫn phải duy trì. Chúng tôi không có khách, không có doanh thu, chỉ có đầu ra, hoàn toàn không có đầu vào; Không riêng gì cá nhân tôi, mà toàn tỉnh, toàn quốc đều tê liệt! Nhưng cuộc chơi này, tôi nghĩ thật sự, không dành cho người “yếu tim”, cái này là tôi nói thật, phải dùng cái đầu “lạnh” để suy nghĩ cho con đường đi tiếp phía trước, tiếp tục hay dừng lại? Nếu dừng lại, thì tất cả đam mê, công sức của tôi sau bao nhiêu năm gầy dựng, tạo nên dấu ấn sẽ tan! Còn tiếp tục, liệu ý chí và nguồn lực mình có đủ sức để đương đầu?!

Tôi đứng giữa hai sự lựa chọn. Và tôi quyết định tiếp tục “chiến đấu” đi lên và phát triển cùng doanh nghiệp. Đó là niềm tin và ý chí. Nghĩ lại quảng thời gian đó, tôi không nghĩ làm sao mình làm được, mình “vượt bão” Covid 19 thành công. Bạn hình dung xem, “công ty như và nhà hàng như một đống đỗ nát, nguồn nhân lực không có, tiền vốn cạn kiệt…  Lúc đó, tôi định buông, nhưng tôi lại nghĩ, bao nhiêu người còn khó khăn hơn mình, mình còn trí tuệ và ý chí. Vậy là tôi quyết định phải làm lại.

Quả thật, tôi rất may mắn, trong muôn vàn khó khăn đó luôn có sự đồng hành giúp sức của người thân, bạn bè. Quan trọng nhất, tôi tin rằng mình phải có lòng tin và ý chí, cùng với nghị lực mà tôi đã “hồi sinh” được như ngày hôm nay.

Hè vừa qua, Quảng Bình lại tấp nập đón khách, gần đây nhất, như bạn thấy Quảng Bình đã tiếp đón lại những đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm tê liệt. Cảm giác sau khi bị đóng cửa cả năm trời, có khách đến, là niềm vui không có gì có thể tả được. Cũng trong hoàn cảnh đó, tôi bắt đầu nghĩ tới với tư cách là chủ doanh nghiệp, cũng như là một trong những người gánh vác nhiệm vụ cho Hiệp hội du lịch Quảng Bình, Du lịch cộng đồng Việt Nam, ngoài những cái đã và đang làm tốt, chúng ta phải làm mới, phương án mới để đưa vị thế du lịch Quảng Bình vươn xa hơn…

PV: Trong những năm gần đây, Quảng Bình ngày càng trở thành điểm “hot” của các du khách? Việc tỉnh xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, điều này đã giúp các DN làm du lịch mạnh dạn hơn, có nhiều phương án thu hút du khách hơn?

Bà Đinh Thanh Loan: Được mệnh danh là “Vương quốc hang động” nơi tiềm ẩn nhiều điều mới lạ và hấp dẫn như Hang Phong Nha, Hang Tiên Sơn, Hang Tối, Hang E, Hang Vòm, hang Thung… Đặc biệt là động Phong Nha thực sự nổi bật với chiều dài khảo sát gần 8 km, chủ yếu là sông ngầm và được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: Có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất. Tháng 5/2009 Hội hang động Hoàng Gia Anh đã khảo sát và phát hiện ra Hang Sơn Đoòng, được đánh giá là một trong những hang động đẹp, có chiều cao và chiều rộng lớn nhất thế giới. Đồng thời, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là 1 trong 10 địa danh được xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trong cả nước.Và, tại xã Tân hoá, huyện Minh hoá năm 2009 đã phát hiện 03 hang động mới được đánh giá tuyệt đẹp là Hang Tố Mộ Nhỏ, Hang Tố Mộ Lớn và Hang Tú Làn.

Thêm nữa, Quảng Bình còn có nhiều cảnh quan hấp dẫn du lịch như vùng Đèo Ngang-Hoành Sơn, đèo Lý Hoà; suối nước khoáng nóng Bang với nhiệt độ trên 1050C tại lỗ phun thích hợp với hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh; Bàu Tró, phá Hạc Hải…

Quảng Bình có bờ biển dài 116 km từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ với các bãi biển đặc sắc cùng những đồi cát trắng, những rừng phi lao ven biển, những bãi tắm đẹp, bãi cát bằng phẳng, nước sạch và không khí trong lành, dài từ 3 – 7 km có sức chứa tới hàng vạn khách du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển, có giá trị để phát triển thành các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, có sức cạnh tranh cao. Tiêu biểu là: Nhật Lệ-Quang Phú, Mỹ Cảnh-Bảo Ninh, Lý Hoà–Đá Nhảy, Hải Ninh Ngư Hoà…. Cùng với những bãi biển đẹp, Quảng Bình còn có 4 con sông lớn: Sông Roòn, sông Gianh, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Có vịnh nước sâu Hòn La có độ sâu 15m, xung quanh có nhiều đảo nhỏ như Hòn Nồm, Hòn Chùa, Hòn Cọ, Đảo chim và bãi san hô trắng rộng hàng nghìn hecta ở phía Bắc, có nhiều giá trị cao đối với phát triển du lịch…

Toàn tỉnh hiện có 126 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 54 di tích quốc gia, 18 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước những lợi thế như vậy, những doanh nghiệp làm du lịch như chúng tôi bắt đầu có những “sản phẩm du lịch chất lượng cao”: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái tiếp tục phát triển và đem lại hiệu quả cao. Du lịch văn hóa - lịch sử khẳng định được vị thế, một số điểm du lịch văn hóa tâm linh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan; du lịch sinh thái phát triển với mô hình khá đa dạng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn; du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tuy đang trong quá trình hình thành và phát triển nhưng đã góp phần đáng kể vào việc tạo dựng hình ảnh mới cho tỉnh Quảng Bình.

Với những lợi thế và nhìn được tiềm năng, chính vì vậy nhiều DN du lịch đã ập trung về Quảng Bình cùng các nhiều dự án, đặc biệt là các dự án về lưu trú.

260829661-1091542031661710-6825304645024703270-n-1666853066.jpg
Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Pv: Thưa bà, với những lợi thế mà du lịch Quảng Bình sẳn có hứa hẹn Quảng Bình luôn là điểm “hót” trong mùa hè, nhưng bên cạnh đó thiệt thòi cho du lịch Quảng Bình là du lịch mang tính mùa vụ quá cao? Vậy theo bà cần có chính sách kích cầu gì cho giai đoạn thấp điểm?

Bà Đinh Thanh Loan: Bàn về vấn đề mùa vụ, chúng tôi những người làm du lịch luôn “đau đầu”, nhưng trên quan điểm cá nhân của riêng tôi mỗi doanh nghiệp nên có động thái tích cực như hạ giá vé tham quan hang động, rồi các dịch vụ phụ trợ như khách sạn, xe… để thu hút nguồn khách hội thảo, học tập đến trong mùa thấp điểm. Đẩy mạnh du lịch lịch lịch sử…  Tìm nguồn khách bền vững các nước Đông Nam Á; Khai thác tuyến bay kết nối cùng các điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước… Tuy nhiên, đó là kế hoạch dài hơi của  nhiều doanh nghiệp và của tỉnh, còn sắp tới chúng tôi đang hy vọng thu hút nguồn khách nghỉ dưỡng trong mùa Đông sắp tới khi khu nghỉ dưỡng Nước khoáng Bang vào khai thác.

PV: Với tư cách là Phó chủ tịch du lịch Cộng Đồng Việt Nam, theo bà du lịch cộng đồng, du lịch xanh đã được triển khai, phát triển như thế nào tại Quảng Bình trong thời gian qua?

Bà Đinh Thanh Loan: Du lịch cộng động không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa. Quảng Bình là địa bàn sinh sống của hai dân tộc thiểu số là Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt, với nhiều tộc người như: Sách, Mày, Rục và Arem... Đa số họ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực rất thích hợp để đưa vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Mô hình du lịch cộng đồng được triển khai đầu tiên tại Quảng Bình là homestay Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Mô hình này được sự giúp đỡ của tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổ chức tập huấn cho bà con trong thôn thực hiện, sau đó giao quyền quản lý cho thôn, bước đầu hoạt động tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng là mốc khởi điểm cho các mô hình sau phát triển và hoàn thiện hơnTuy cơ sở vật chất của những mô hình DLCĐ này bước đầu chưa thật sự khang trang, nhưng lại có những lợi thế nhất định, như: tọa lạc trong khung cảnh thiên nhiên làng quê yên bình, dễ dàng tổ chức nhiều hoạt động sinh thái trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có tính kết nối cao với các cơ sở lưu trú khác nhằm trao đổi khách. Du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động sản xuất cùng người dân địa phương như: chăn vịt, cưỡi trâu, cắt lúa, thu hoạch vụ mùa,  trò chuyện, tìm hiểu về văn hóa bản địa với người dân địa phương. Mỗi người dân ở đây là một sứ giả, cùng với vốn hiểu biết về Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ níu chân du khách khi đến tìm hiểu và khám phá cảnh đẹp Quảng Bình.

Trong năm vừa qua, Du lịch Cộng đồng Việt Nam hỗ trợ và giúp đỡ bà con Bản Rum Ho vốn là một làng nhỏ thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Chỉ với 109 hộ dân là người đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều sinh sống, làng hiện nay vẫn chưa có được tiếp cận với hệ thống lưới điện, trang bị cho cuộc sống của bà con vẫn vô cùng đơn sơ, chủ yếu tập trung lệ thuộc vào khai thác lâm sản cùng một số hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Bản Rum Ho, ngoài cảnh đẹp núi rừng đại ngàn xanh ngắt với những con suối trong veo là “đặc sản”, còn có thác Dương Cầm thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, sở hữu vẻ đẹp hút hồn đối với bất kỳ ai yêu thiên nhiên. Động Châu – Khe Nước Trong là một khu dự trữ thiên nhiên mà tạo hóa đã ban cho tỉnh Quảng Bình. Mảnh đất gắn liền với những chiến tích anh hùng lịch sử của con đường mòn nhánh Tây Hồ Chí Minh. Nơi đây sự giao hòa của rừng nguyên sinh Khe Nước Trong, Sông Rào Chân, cùng với những ngọn núi cao trên 1000 m và đa dạng nhiều loài động thực vật tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. 

Đây sẽ là điểm đến phát triển du lịch gắn liền với thiên nhiên trong tương lai của phía Nam tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi đã giúp đỡ và hướng dẫn làm du lịch từ những điều nguyên sơ nhất, bản Rum Ho đã có được homestay đầu tiên, không điện, không sóng điện thoại. Tuy nhiên, đây là cơ hội để nhiều hộ lân cận được học hỏi và hình thành “hệ sinh thái” với các sản phẩm phục vụ du lịch bền vững.

312497633-1331280987701525-1286257736406394157-n-1666853110.jpg
Famtrip là hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị cho các hãng lữ hành tới một hay nhiều điểm du lịch của một địa phương từ đó lựa chọn, kết nối các sản phẩm du lịch… đó là cơ hội quảng bá rẻ nhất cho các DN địa phương để kết nối điểm đến, phát triển thị trường sản phẩm.

PV: Theo bà, các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình, trong tương lai những người làm du lịch cần có động thái tíchcực gì để đưa thương hiệu du lịch Quảng Bình “hót”trên bản đồ du lịch của thế giới?

Bà Đinh Thanh Loan:  Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc, khẳng định là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á. Tôi nghĩ, bản thân tôi cũng như Du lịch Quảng Bình cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

Và theo tôi, quan trọng nhất chính là phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá văn hóa - lịch sử. Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế, tiếp tục thu hút khách, mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu và Liên bang Nga... Huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư. Xây dựng văn hóa du lịch để mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên; đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển du lịch, xây dựng du lịch thông minh, đô thị thông minh.

Tuy vậy, theo tôi, mặc dù ngành du lịch của tỉnh Quảng Bình phát triển và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trên lộ trình xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi: Các loại hình sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề phục vụ khách du lịch còn hạn chế, nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện; cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ; đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu lực lượng có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu... Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn để có sự phát triển đột phá trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh giữa các địa phương, vùng du lịch ngày càng lớn. Thị trường khách du lịch quốc tế chưa đa dạng, số lượng khách quốc tế chưa lớn.

PV: Thưa bà, với người làm du lịch, famtrip từ lâu được coi là hình thức du lịch đầy tính thâm nhập thực tế, mang đến cơ hội cho đoàn tham quan và cả địa điểm đón đoàn, Quảng Bình đã “đi tắt đón đầu” với cơ hội này thế nào, thưa bà? Tôi được biết, vừa qua, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức chương trình famtrip khám phá, trải nghiệm du lịch Phong Nha-“Miền di sản diệu kỳ” với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành lớn trên toàn quốc, bà đánh giá như thế nào về hoạt động trên?

Bà Đinh Thanh Loan: Famtrip là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc trong ngành Du lịch, là hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị cho các hãng lữ hành tới một hay nhiều điểm du lịch của một địa phương từ đó lựa chọn, kết nối các sản phẩm du lịch… đó là cơ hội quảng bá rẻ nhất cho các DN địa phương để kết nối điểm đến, phát triển thị trường sản phẩm. Thành viên các đoàn famtrip thường chủ động, nhạy bén, có khả năng phân tích, đánh giá điểm đến để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm. Hiệu quả thấy rõ từ các chuyến famtrip đã tạo động lực cho các DN du lịch xông xáo, chủ động trong việc kết nối với các đoàn famtrip để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Với quyết tâm cùng đưa du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nhiều DN cũng sẵn sàng hỗ trợ đón đoàn, chuẩn bị chu đáo để tạo ấn tượng trong con mắt đánh giá của những vị khách du lịch đặc biệt này.

 Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh những đơn vị tích cực, xông xáo vẫn còn rất nhiều DN thờ ơ, đứng ngoài cuộc, không tự tạo cơ hội cho mình để tìm kiếm, kết nối. 

PV: Quảng Bình trên bản đồ du lịch đang từng bước định vị là “trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á, thiên đường khám phá và trải nghiệm, điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động kỳ vĩ, hệ sinh thái đa dạng”. Với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình, bà thấy chiến lược du lịch Quảng Bình đã phù hợp hay chưa?

Bà Đinh Thanh Loan: Ngay sau khi dịch COVID-19 vừa được khống chế, tỉnh Quảng Bình đã từng mời hơn 100 tổng giám đốc, giám đốc marketing, trưởng phòng CEO, kinh doanh và đội ngũ truyền thông của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và Đà Nẵng đã đến khảo sát điểm đến, liên kết phát triển du lịch với ngành du lịch Quảng Bình. Trong số họ có nhiều lữ hành chuyên bán tour quốc tế nay chuyển sang tổ chức khách nội địa nên khá bất ngờ khi khảo sát các điểm tham quan ở Quảng Bình và cách Quảng Bình đi tắt đón đầu về làm du lịch.

Tại hội nghị liên kết, đại diện các doanh nghiệp vận tải hàng không, đường sắt, xe ôtô du lịch được tổ chức tại Hà Nội, tỉnh Quảng Bình đã công bố chính sách giảm giá kích cầu khá hấp dẫn. Các doanh nghiệp Quảng Bình cũng đưa ra các ưu đãi và cách tiếp cận chuyên nghiệp. Cách tiếp cận làm du lịch kiểu này đã mở ra một phương thức làm ăn mới, liên kết chặt chẽ hơn từ lữ hành, vận tải đến điểm tham quan, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ tiêu dùng khác.

Quảng Bình nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng “Quảng Bình là điểm đến an toàn và khác biệt”. Du lịch tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn là Google, IM Group, Digi Pencil để tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch quảng bá, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, hơn 70 doanh nghiệp du lịch ở Quảng Bình bắt đầu thụ hưởng từ việc triển khai gói hỗ trợ 200 tỷ đồng từ TIKI giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi hậu COVID-19.

Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Bình lại được đánh giá là một trong 7 tỉnh xếp hạng cao nhất trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI). Bên cạnh nhiều tour, tuyến nghỉ dưỡng ven biển, hay rừng núi như nhiều địa phương khác có, du lịch Quảng Bình đặc biệt có “Viên kim cương xanh” Phong Nha-Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới mà trong đó có hang động kỳ vĩ của tạo hoá là Sơn Đoòng.

Bên cạnh đó, việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch cũng có bước chuyển biến tích cực, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác thử nghiệm, như: Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - hang Rục Mòn - hồ Yên Phú; khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Arem - Ma Coong; khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới theo lộ trình mới, đạt hiệu quả tốt. Thực hiện khai thác thử nghiệm các sản phẩm du lịch: Khám phá hang Đại Ả - hang Over - hang Pygmy; hang Va - hang Nước Nứt; khám phá hang Vòm - giếng Voọc và những trải nghiệm khác biệt theo lộ trình mới... 

PV: Cảm ơn bà đã cùng chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị này.

Hồ Ngọc-Thanh Thanh