Anh nới lỏng quy định đối với động vật và cây trồng chỉnh sửa gen

Ngọc Hùng

03/06/2021 15:26

Sau khi hoàn tất việc rời khỏi Liên minh Châu Âu, từ tháng 6 này, chính phủ Anh dự kiến bước đầu thực hiện cam kết của thủ tướng Boris Johnson về giải phóng lĩnh vực khoa học sinh học của nước này khỏi các quy định chống lại việc chỉnh sửa gen, tạo điều kiện để việc thử nghiệm và thương mại hoá cây trồng cũng như vật nuôi chỉnh sửa gen trở nên dễ dàng hơn.

Khi còn thuộc Liên minh Châu Âu, Anh đã phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về công nghệ sinh học của Khối, tuy nhiên vào ngày 17/6 tới đây, Anh sẽ công bố các quy định áp dụng cho cây trồng và động vật có hệ gen được chỉnh sửa bằng các kỹ thuật chính xác như CRISPR. Điều này sẽ đưa nước Anh sánh ngang với các quốc gia khác bao gồm cả Mỹ và được các nhà công nghệ sinh học của Anh nhận định rằng sẽ làm tăng tốc độ nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại Anh, mới chỉ có hai loại cây trồng chỉnh sửa gen đã được đưa vào khảo nghiệm. Đầu tiên vào năm 2018 khảo nghiệm đánh giá camelina, một giống thuộc họ mù tạt, được chọn tạo để thu được sản phẩm giống như dầu ô liu. Cây trồng thứ hai là bông cải xanh chỉnh sửa để cải thiện dinh dưỡng mới được đưa vào khảo nghiệm gần đây.

gmo-1622708048.jpeg

Các quy định của Anh về chỉnh sửa gen dự kiến sẽ bớt nghiêm ngặt hơn cho cây trồng chuyển gen. Nguồn: Sciencemag.org

Quyết định của chính phủ về vấn đề chỉnh sửa gen, được Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) công bố, sẽ không áp dụng bên ngoài nước Anh. Các khu vực khác của Vương quốc Anh như Scotland, Wales và Bắc Ireland sẽ tự quy định về sinh vật biến đổi gen. Những người phản đối tự do hóa sinh vật chỉnh sửa gen nói rằng Defra đang quyết định quá nhanh. Họ lo lắng rằng động vật và cây trồng được biến đổi để kháng bệnh có thể thúc đẩy các hoạt động canh tác gây hại cho môi trường.

Trong khi các sinh vật biến đổi gen hay chỉnh sửa gen phải đấu tranh giữa hai luồng ủng hộ và phản đối tại Châu Âu thì tại Châu Phi, công nghệ này lại đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

Trong số các nước thuộc khu vực châu Phi, Kenya là quốc gia dẫn đầu trong khối về lĩnh vực công nghệ sinh học này. Nước này đã bắt đầu soạn thảo các hướng dẫn quy định về các sản phẩm được tạo ra nhờ công nghệ chỉnh sửa gen dựa trên các quy trình đã được đi vào hoạt động ở Argentina. Rất nhiều dự án chỉnh sửa gen đang được thực hiện tại Kenya. Một trong số đó là tìm ra giải pháp nhằm xây dựng sức đề kháng của cây lúa miến chống lại cỏ ma ký sinh (parasitic striga weed). Dự án này được phụ trách bởi ông Steven Runo, giáo sư ngành sinh học phân tử tại Đại học Kenyatta, người đang xem xét việc loại bỏ gen LGS1 nhằm tạo ra khả năng kháng cỏ ma ở cây lúa miến.

Lúa miến là một loại cây trồng quan trọng ở quốc gia này với nhu cầu địa phương cao không chỉ về sản lượng lương thực hay thức ăn cho gia súc mà còn là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất bia vốn cần tới hơn 30.000 tấn lúa miến trắng. Cỏ ma gây khó khăn trong việc sản xuất lúa miến và các cây ngũ cốc khác. Hầu hết các loại cây lương thực, bao gồm ngô, kê, lúa miến và gạo, đều bị ký sinh bởi ít nhất một loài cỏ ma, điều này gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Kenya.

Ngọc Hùng