Trong top 6 trường đại học doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm thì 4 trường công lập, gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Tp.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế quốc dân. Hai trường tư thục, gồm: Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Văn Lang.
Đại học Văn Lang là trường tư thục dẫn đầu doanh thu trong số các trường đại học với 1.758 tỷ đồng/năm. Nguồn doanh thu này đến từ học phí, nghiên cúu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trường cũng công bố mức trung bình chi phí đào tạo 1 sinh viên là 30 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đứng thứ hai với doanh thu hơn 1.189 tỷ đồng/năm, trung bình mức chi phí cho đào tạo 1 sinh viên tốn khoảng 30 triệu đồng/năm.
Đứng thứ ba là trường Đại học Kinh tế quốc dân với doanh thu hơn 1.062 tỷ đồng/năm. Đây cũng là trường tăng trưởng mạnh nhất trong top với hơn 218 tỷ đồng so với năm trước đó.
Số liệu trên được trích từ đề án tuyển sinh, ba công khai của các trường đại học công bố trên web trường.
Theo công bố của Bộ GD&ĐT hồi tháng 8/2022, sau 9 năm triển khai tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ - đến nay, cả nước có 141/232 trường đại học đang tự chủ.
Điểm thay đổi rõ rệt nhất là năng lực tài chính của các trường tự chủ từ 2018 đến 2021 nâng lên đáng kể, tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.
Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh, tăng 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý. Nếu 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 còn 12,7%, tỷ lệ giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.