5 sai lầm KINH ĐIỂN của Startup Việt qua lời kể của một CEO

Đặng Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Bioscope Việt Nam

06/09/2022 11:20

Startup không phải là một trò chơi. Đó là cả một quá trình hình thành, làm được, làm sai, sửa sai và tiếp tục làm lại, bởi vì làm sai chưa chắc đã là thất bại.

12-1656296106-1662438027.jpg

 

Tôi làm startup từ 2002. Hồi đó tôi bắt đầu khởi nghiệp từ công ty về e.commerce, sau đó làm về IVR và nhiều thứ nữa. Đến nay đã lập ra hơn 10 công ty, đa số các công ty ấy “chết” nhưng cũng may có cái phát triển được. Cũng đã có công ty được mua cổ phần định giá cao nhưng tôi vẫn nghĩ là chưa startup thành công.

Những thất bại tôi gặp là có rất nhiều, theo đủ kiểu, nhiều đến mức tôi nghĩ sau này nếu làm được một Startup thành công và viết tự truyện thì phần nói về thất bại chắc sẽ rất hay vì quá nhiều tư liệu. Cho đến giờ tôi vẫn cố gắng kiếm tư liệu cho phần Startup thành công để viết sách mà chưa được.

Kể lan man vậy để mọi người biết tôi không phải là amateur về Startup. Với trải nghiệm như vậy, sau này gặp các bạn Startup, tôi thấy lại những gương mặt từ chính những thất bại của mình trong quá khứ. Dưới đây là 5 sai lầm kinh điển hay gặp ở các startup Việt.

1. Sai lầm thứ nhất: Nhầm SME (Small and Medium Enterprise – Doanh nghiệp vừa và nhỏ) với Startup

Startup là phải tạo được thị trường mới hoặc hiệu quả gấp 10 lần hiện tại trên thị trường cũ, phải có khả năng sinh lời, lặp lại và khả năng nhân rộng cực lớn. Nếu đủ bộ như thế mới được coi là Startup, còn không chỉ là SME.

Nếu nhầm hai loại với nhau thì chắc chắn hỏng vì Startup thì cần học hỏi nhiều mới tới được điểm hoà hợp thị trường để mong có lãi, còn SME thì lại phải cố gắng có lãi càng sớm càng tốt.

Nếu nhầm SME thành Startup, bạn sẽ tốn nguồn lực để học hỏi những thứ cũ như trái đất và không scale up (mở rộng quy mô kinh doanh) được. Nếu nhầm startup thành SME, bạn sẽ cố gắng bán thứ rất hay nhưng chưa hoàn thiện khiến khách hàng quay lưng với bạn (Tôi chết nhiều vì lỗi này).

2. Sai lầm thứ hai: Theo đuổi những ý tưởng vĩ đại

Hôm nay có bạn cãi sống cãi chết rằng Tiki, Thế Giới Di Động không phải Startup vì mô hình của họ đã có từ lâu, chẳng qua họ đi trước. Với bạn ấy, Startup phải là một công nghệ mới, kiểu như ô tô bay (nếu bạn có đọc bài này cũng đừng nghĩ đây là vấn đề cá nhân nhé!).

Có lẽ bạn ấy không biết đằng sau sự vươn lên của Tiki không chỉ là tiền. Tôi chơi với giám đốc chiến lược của Tiki và đã được nghe bạn ấy kể chuyện về các Startup nội bộ của bên đó như thế nào. Còn về Thế Giới Di Động, tôi cũng đã được nghe nhiều về cách anh Tài, anh Huân (người đứng sau rất nhiều Startup lẫy lừng ở Việt Nam) và đội Tech đã tạo nên mô hình kinh doanh bán lẻ hiệu quả ra sao.

Nếu bạn nghĩ Thế Giới Di Động chỉ là một chuỗi cửa hàng bán điện thoại thông thường thì thật sai lầm. Trở lại suy nghĩ là Startup phải bắt đầu từ một ý tưởng vĩ đại, tôi xin chia sẻ là có tới 4 kiểu Startup:

– Kiểu thứ nhất: Tạo thị trường mới

– Kiểu thứ hai: Tạo ngách mới trên thị trường cũ

– Kiểu thứ ba: Tối ưu hiệu quả trên thị trường cũ

– Kiểu thứ tư: Nhái lại mô hình startup thành công ở thị trường đi sau

Trong số đó, việc bắt đầu với những ý tưởng vĩ đại để tạo ra thị trường mới, là rủi ro nhất. Nói thẳng ra là không nên làm ở Việt Nam. Vì sao ư? Là bởi, nước mình không phải là thị trường dễ dàng chấp nhận cái mới. Ngoài ra, chúng ta có khá ít quỹ VC (vốn mạo hiểm) hỗ trợ nên xác suất thành công cực thấp. Xin hãy nhớ: Việt Nam có rất rất ít đất diễn cho những ý tưởng vĩ đại.

3. Sai lầm thứ ba: Không làm cái “must have”

“Must have” là những sản phẩm mà khách hàng đang tìm kiếm để giải quyết những nhu cầu bức xúc hàng ngày. Họ đã cố gắng tìm những sản phẩm ấy nhưng tìm chưa ra và có sẵn tiền để chi trả cho nhu cầu đó.

Nếu làm cái “must have”, bạn sẽ sớm tìm được khách hàng cấp tiến và mở rộng cơ hội học hỏi hoàn thiện sản phẩm với số vốn hợp lý. Nếu không phải “must have”, bạn sẽ phải chơi cuộc chơi giáo dục thị trường mệt mỏi và đốt tiền rất nhiều.

4. Sai lầm thứ tư: Không gọi vốn

Startup là phải gọi vốn. Có thể nhà bạn giàu, có thể bạn bán được hàng ngay. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Startup cũng phải gắn với gọi vốn vì những lý do sau:

– Gọi vốn để được nhà đầu tư xác tín ý tưởng kinh doanh. Bạn đưa ra gọi vốn sớm, nhà đầu tư sẽ hành hạ bạn bằng những câu hỏi. Nhưng, đó là những điểm yếu bạn cần biết để phát triển. Có thể bạn chưa cần vốn, nhưng chắc chắn tư vấn miễn phí từ các chuyên gia luôn là thứ rất quý giá.

– Gọi vốn để chia sẻ rủi ro: Startup không phải là một trò chơi để bạn có thời gian lúc nào thì bạn “chơi” lúc đó. Hãy gọi nó là môn thể thao mạo hiểm. Đừng gánh rủi ro một mình. Hãy chia sẻ với những nhà đầu tư, chuyên gia về quản lý rủi ro để họ giúp bạn giảm bớt và cùng bạn gánh nó.

– Gọi vốn để đo lường hiệu quả: Nếu luôn giữ liên lạc với các nhà đầu tư và quỹ, bạn sẽ được cập nhật những phản hồi về giá trị hiện tại của công ty. Khi đó bạn sẽ thấy được mỗi khách hàng, mỗi đồng doanh thu, mỗi thị trường, mỗi ý tưởng mới của bạn đáng giá thế nào. Và bạn sẽ có một động lực lớn lao để phát triển Startup của mình, đi lên từng bước nhỏ, nhưng chắc chắn.

– Gọi vốn để scale: scale nhanh khi mô hình đã đạt điểm hoà hợp thị trường. Nếu giai đoạn này bạn không scale nhanh thì sẽ sớm bị vượt mặt bởi một loạt các startup đi sau lắm tiền hơn bạn.

 

5. Sai lầm thứ năm: Lười đọc sách, không đi học và ghét mentor (sự cố vấn, hướng dẫn)

Có cậu em nói với tôi rằng cậu ấy không đi học vì muốn giữ cho mình foolish để có thể đưa ra những quyết định can đảm khi làm startup mà những người biết nhiều sẽ không dám làm. Ok lah! Làm đúng theo cái câu “Be hungry, be foolish” của Steve Jobs luôn rồi đó.

Nhưng, các bạn hãy nghĩ lại đi, Startup bây giờ không còn làm theo kiểu đào vàng nữa rồi. Sau gần 30 năm phát triển, lĩnh vực Startup đã có những cơ sở lý thuyết, những cẩm nang rất cụ thể. Thậm chí là chỉ cho mình từng câu phải nói với khách hàng như thế nào cho chuẩn.

Những kiến thức kiểu như thế bạn đọc sách tiếp thu được 1 thì đi học sẽ tiếp thu được 3 và làm với mentor sẽ tiếp thu được 10. Có hai loại người: Một loại thử điện bằng bút điện, loại thứ hai thì tè vào dây điện. Tất nhiên là bạn hoàn toàn có thể làm theo cách bạn muốn. Vậy bạn sẽ chọn là loại người thứ nhất, hay loại người thứ hai?

6. Học tập từ những sai lầm là điều rất quan trọng trong Startup

Một nền giáo dục đổi mới không có nghĩa là phải loại bỏ đi tất cả những cái cũ. Mà phải làm sao để phát triển những điều mới từ những thứ xưa cũ, nhưng vẫn giữ được linh hồn và văn hoá dân tộc. Tinh thần ấy phải là tinh thần không sợ hãi trước khó khăn, không sợ hãi trước đối thủ mạnh, và cả không sợ hãi trước những lỗi sai.

Bởi vì, những quyết định tốt luôn đến từ những kinh nghiệm thực tiễn. Mà những kinh nghiệm này có từ đâu? Chính là đến từ những quyết định sai lầm. Như đã nói ở trên, khởi nghiệp không phải là một trò chơi. Đó là cả một quá trình hình thành, có làm tốt, có làm sai, nhận ra lỗi, cố gắng sửa sai.

Nếu trên đời này không có ai mắc sai lầm thì đó là vì họ chưa bao giờ dám thử bất cứ cái gì mới. Quá trình học tập về khởi nghiệp bắt đầu khi chúng ta biết thừa nhận những sai lầm của mình. Từ đó thúc đẩy việc học tập nhanh hơn. Bởi vì mắc sai lầm chưa chắc đã thất bại.

Chúng ta nên hối hận về những sai lầm của mình và rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, nhưng đó là thuộc về quá khứ. Đừng đưa những lỗi lầm ấy vào cuộc sống tương lai để dằn vặt mình. Cách duy nhất để không mắc lỗi nữa là phải học từ nó. Khởi nghiệp có thể mất rất nhiều tiền bạc, mất rất nhiều nhân lực, mất rất nhiều công sức. Nhưng để không mất thêm một lần nào nữa, bạn phải học tập đúng cách từ những lỗi sai của mình.

“Bất cứ chuyến đi nào cũng có ý nghĩa của nó. Bất cứ mâu thuẫn nào cũng có sự phát triển của nó. Bất cứ hành động nào cũng có thể có mục đích nếu tôi chấp nhận nó như thế.

Tôi sẽ nhìn lại những lỗi lầm của mình và nghiệm xem việc gì hiệu quả và việc gì không”.

Hôm nay, tôi chấp nhận những ý nghĩa, sự phát triển, mục đích và bài học trong đời mình. – trích Chicken soup for the recovering soul. 

Đặng Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Bioscope Việt Nam