1. Phát triển mối quan hệ bền chặt giữa quản lý và nhân viên
Hiện nay, có rất nhiều tài liệu viết về tầm quan trọng về việc xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa cấp quản lý và nhân viên. Tuy nhiên, để có được mối quan hệ vững chắc, mang tính chuyên nghiệp giữa hai bên thì không phải một sớm một chiều có thể làm được.
Vậy nên, để khởi đầu cho một mối quan hệ tốt đẹp với cấp dưới, bước đầu tiên mà bạn phải làm là hãy trao cho họ cơ hội được nói. Hãy cho nhân viên của bạn nêu lên mong muốn được hướng dẫn, phản hồi và huấn luyện để cải thiện hiệu suất và sự phát triển trong công việc của họ.
Bạn nên khuyến khích nhân viên đưa ra các thoả thuận rõ ràng về cách hai bên tập trung xử lý hiệu suất liên tục. Đồng thời cho họ biết sự phát triển nghề nghiệp của bản thân là rất quan trọng, và bạn sẽ trở thành người ủng hộ cho sự thăng tiến của họ trong tương lai.
Thông thường các mối quan hệ được xây dựng dựa trên những cuộc trò chuyện. Nếu bạn và nhân viên không có những buổi nói chuyện về nghề nghiệp, bạn hãy bắt đầu cho cuộc giao tiếp ấy, hoặc gợi ý cho nhân viên tự mở các cuộc trò chuyện này. Hãy để nhân viên hỏi về lịch trình mà bạn có thể sắp xếp các cuộc họp hàng quý để tập trung vào các cuộc trò chuyện về sự nghiệp của họ hay không.
Và hãy nói với họ rằng, việc cần làm ngay bây giờ của họ chính là tạo bản phác thảo các mục tiêu phát triển để bạn xem xét và đưa ra phản hồi. Chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chủ động để tương tác với bạn về hiệu suất, sự phát triển trong tương lai và nguyện vọng nghề nghiệp của mình để “bạn và tôi” cùng nhau làm việc hiệu quả hơn.
2. Để nhân viên thường xuyên tìm kiếm phản hồi
Lợi ích của việc nhận phản hồi bao gồm tăng cường nhận thức về bản thân và cải thiện hiệu suất. Thế nhưng, việc đưa ra phản hồi cho đồng nghiệp và nhân viên mang lại rủi ro vì khả năng cao là có thể làm tổn hại các mối quan hệ. Để giúp giảm thiểu những rủi ro này, các quản lý cần để nhân viên:
2.1. Cụ thể với yêu cầu phản hồi
Nếu nhân viên đặt ra những câu hỏi chung chung như “Tôi phải làm như thế nào?” hoặc “Tôi có thể làm gì tốt hơn?”, nó sẽ khiến cấp trên cảm thấy khó hiểu vì không biết loại phản hồi nào được mong muốn và có thể cung cấp cho họ. Hãy cho nhân viên của mình cảm thấy hữu ích khi bắt đầu bằng một tuyên bố mong muốn cải thiện điều gì đó trong một lĩnh vực cụ thể và một số ví dụ chẳng hạn. Dưới đây là ví dụ cụ thể về các yêu cầu phản hồi:
– Tôi muốn trau dồi và cải thiện kỹ năng đứng trước đám đông trong các cuộc họp nhóm hàng tuần của chúng tôi. Tôi có thể làm gì để cộng tác với nhóm tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn?
– Mục tiêu của tôi là … . Tôi cần phải làm gì để đạt được mục tiêu này?
2.2. Thường xuyên hỏi phản hồi
Các bạn nên tạo không gian cho nhân viên thường xuyên hỏi ý kiến phản hồi của người khác về cách họ có thể cải thiện hiệu suất của mình. Khi điều này trở thành một phần thói quen của họ, mọi người sẽ cảm thấy an toàn khi cung cấp phản hồi.
2.3. Tránh giữ thế “phòng thủ”
Khi nhân viên đối mặt với những góp ý, nhận xét từ cấp trên hoặc đồng nghiệp, bạn nên khuyên cấp dưới của mình rằng họ cần trang bị một tư duy cởi mở, một thái độ thân thiện và sẵn sàng lắng nghe.
Bởi vì nếu họ đặt mình trong thế “phòng thủ” ở những cuộc thảo luận, thì sẽ rất khó nhận được những góp ý mang tính xây dựng. Thay vào đó, hãy thể hiện sự tôn trọng với những người sẵn sàng chia sẻ quan điểm, thậm chí là những lời phê bình. Điều này sẽ giúp nhân viên của bạn nhận ra những thiếu sót của bản thân để hoàn thiện hơn.
3. Xây dựng mối quan hệ công việc bền chặt
Việc thể hiện các kỹ năng xã hội đã trở thành điều cần thiết để một người phát triển trong môi trường làm việc ngày nay. Có thể nói, môi trường làm việc về cơ bản đã thay đổi cách thức nhân viên phải thực hiện, nó bao gồm:
– Đồng nghiệp, nhân viên và các bên liên quan làm việc trên nhiều múi giờ, văn hóa và phân khúc khách hàng.
– Tăng cường báo cáo kiểu ma trận, phức tạp hoá vai trò, quyền hạn và quy trình làm việc.
– Nguồn thông tin dồi dào đòi hỏi nhiều quan điểm và kiến thức chuyên môn để đưa ra quyết định hiệu quả.
– Công việc đòi hỏi sự cộng tác nhiều hơn từ các chuyên gia, các bên liên quan và nhóm.
Trong môi trường làm việc ngày nay, các công ty cần nhân viên của họ làm việc hiệu quả, đóng góp vào hiệu suất của người khác và sử dụng đóng góp của người khác để cải thiện hiệu suất của họ. Điều này đòi hỏi nhân viên phải xây dựng các mối quan hệ bền chặt trong toàn tổ chức và hơn thế nữa.
4. Tìm một người cố vấn cấp cao
Một người cố vấn cấp cao có thể giúp thăng tiến sự nghiệp của nhân viên theo những cách mà bạn có thể không hỗ trợ được. Ở người cố vấn cấp cao, đa số họ có cái nhìn rộng hơn về các cơ hội tiềm năng trong tương lai, giới thiệu cấp dưới của bạn với các đồng nghiệp của họ và ủng hộ các cơ hội phát triển bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của bạn.
Một số kết quả nghề nghiệp được cải thiện liên quan đến việc có được một người cố vấn bao gồm mức lương thưởng cao hơn và cơ hội thăng chức tốt hơn.
Nếu nhân viên của bạn không ở trong một tổ chức cung cấp cơ hội cho các cố vấn cấp cao hoặc chưa được đưa vào chương trình cố vấn chính thức của công ty bạn. Hãy ủng hộ họ và đừng để họ từ bỏ việc tìm kiếm cũng như xây dựng mối quan hệ với cố vấn.
Sự thật là hầu hết các mối quan hệ người cố vấn – người được cố vấn (mentor – mentee) hiệu quả đều được xây dựng bên ngoài các chương trình truyền thống.
Hầu hết nhà quản lý đều tự hào khi được hướng dẫn hoặc cung cấp kiến thức chuyên môn để giúp cấp dưới phát triển. Vì họ biết rằng khi nhân viên của mình bước chân vào lĩnh vực này thì chắc chắn những nhân viên đó có cùng đam mê với họ. Một mặt khác, khi cố gắng giúp các nhân viên có kiến thức, có cơ hội phát triển bằng hết khả năng của mình, thì bản thân các bạn – những nhà quản lý cũng nâng cao được những kỹ năng cho mình.
Trở thành một người ủng hộ cho sự nghiệp của nhân viên là điều cần thiết để giúp họ đạt được nguyện vọng nghề nghiệp. Nghiên cứu cho thấy rằng những nhân viên tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong công việc của họ sẽ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và năng suất hơn.
Tóm lại, tập trung vào 4 cách này, bạn sẽ giúp nhân viên của mình thăng tiến sự nghiệp, làm việc hiệu quả hơn và đạt được mục tiêu nghề nghiệp mong muốn một cách nhanh chóng.
Nguồn: Forbes