VPBank sắp tăng vốn thêm gần 20.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau VietinBank về vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng

Sa Mộc

20/09/2021 08:25

Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm gần 19.758 tỷ đồng, thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng. Theo đó, nếu kế hoạch hoàn tất, VP Bank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank.

vpbank-1632101052.jpg
Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của họ đạt 23,098 tỷ đồng, tăng tới 22.5% so cùng kỳ năm trước

Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm gần 19.758 tỷ đồng, thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởn. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của VPBank tăng lên hơn 45.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank.

Vào đầu tháng 9/2021, HĐQT Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) cũng thông qua việc triển khai phương án tăng vốn.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 62,15% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17,85%. Tổng tỷ lệ chi trả là 80%, tương đương việc phát hành thêm 1,97 tỷ cổ phiếu.

Nguồn vốn phát hành là từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với tổng giá trị gần 19.758 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021. Số cổ phiếu được phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn lực để VPBank tăng vốn với tỷ lệ cao một phần đến từ việc thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng.

Cuối tháng 4, VP Bank đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với mức định giá 2,8 tỷ USD.

Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

Thông qua giao dịch này, FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF - công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, giao dịch này sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho VPBank, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính của ngân hàng để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.

Với việc bán bán 49% vốn FE Credit, sẽ mang về cho VP Bank 1,37 tỷ USD (tương đương 31.500 tỷ đồng). Giá trị thương vụ này cao hơn so với một số dự đoán trước đó và là thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị cao nhất trong lĩnh vực ngân hàng

Tính đến cuối năm 2020, nguồn vốn chủ sở hữu của VPBank đạt 52.793 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm trước. Tại cuối năm 2020, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II (TT41) của ngân hàng hợp nhất là 11,7%, cao hơn gần 4% so với mức quy định tối thiểu của NHNN.

Cuối 2020, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 419.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất hơn 320.000 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng gần 22%.

Về kinh doanh: năm 2020, là một năm kinh doanh hiệu quả của VPBank, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với năm trước, hoàn thành 127,5% kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động toàn ngân hàng đạt 39.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế số một trong khối ngân hàng tư nhân.

VPBank đã đặt ra các mục tiêu kinh doanh cơ bản trong năm 2021 như sau: tổng tài sản đạt 492.409 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2020; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 353.280 tỷ đồng, tăng 19,2%; dư nợ cấp tín dụng đạt 376.340 tỷ đồng, tăng 16,6%; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ (theo Thông tư 02) dưới 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9%.

Theo Báo cáo tài chính gầ nhất của VP Bank, thì tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của họ đạt 23,098 tỷ đồng, tăng tới 22.5% so cùng kỳ năm trước, và nếu tính riêng quý 2 thì mức tăng trưởng đạt 34.6% so cùng kỳ.

Sa Mộc