Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (DXS - FERI), kết thúc quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng thấp dưới mức kỳ vọng. Chỉ số công nghiệp – xây dựng giảm 0,4% so với cùng kỳ. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Tại sự kiện Báo cáo Nghiên cứu Thị trường quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, FERI cũng cho rằng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế trong nước ghi nhận điểm tích cực nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động quảng bá dịch vụ, du lịch được đẩy mạnh triển khai. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, hoàn toàn nằm trong chỉ số kiểm soát CPI mục tiêu của chính phủ.
6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI trong 6 tháng đã có tín hiệu tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022 với mức 10,02 tỷ USD. Trong đó, có 3.519 dự án đăng ký cấp mới. Vốn FDI giải ngân vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy FDI cho mảng BĐS vẫn nắm giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% theo năm. Kinh tế khó khăn, sức mua trên thế giới giảm sút khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy vẫn ghi nhận điểm sáng là xuất khẩu sang Trung Quốc đang hồi phục, khi mức tăng trưởng được ghi nhận có cải thiện trong tháng 6.
6 tháng đầu năm 2023 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng chậm lại do lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao khiến các doanh nghiệp hiện khá thận trọng với các khoản vay mới. Đồng thời, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu hụt đơn hàng mới, không mở rộng đầu tư, hay doanh nghiệp BĐS vẫn bị vướng mắc pháp lý, chưa triển khai bán hàng các dự án mới,…
Quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, diễn biến tỉ giá USD/VND tiếp tục được đánh giá ổn định dưới sự điều hành khá hợp lý của nhà nước.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng. Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2023 không có đợt phát hành TPDN riêng lẻ mới, tổng giá trị 5 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về sức khỏe doanh nghiệp, nhóm ngành kinh doanh BĐS có tốc độ doanh nghiệp giải thể cao nhất (tăng 30,4% theo năm), nhưng lại có tốc độ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất (61,4% theo năm).
Nửa đầu năm cũng là thời điểm doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, nhằm thích nghi với các khó khăn hiện tại, 82,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. 83,7% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2023. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu chi phí, như đóng cửa các văn phòng, chi nhánh; trả mặt bằng kinh doanh; cắt giảm định biên; cắt giảm lương và các khoản phúc lợi của người lao động…
Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, đơn hàng, khó khăn trong cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, khó khăn trong việc giữ ổn định dòng thu và lợi nhuận, cũng như vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật.