Kể từ khi dịch virus Corona bùng phát vào tháng 1 năm nay, các thương hiệu lớn ở hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế trên thế giới – từ ẩm thực, thời trang, giải trí đến công nghệ - đều đã chứng kiến thiệt hại kinh doanh ở Trung Quốc.
Những công ty này trước nay luôn phụ thuộc vào Trung Quốc vì đất nước này có những nhà máy năng lực cao, thị trường tiêu thụ ngày càng lớn mạnh và nhiều năm tăng trưởng kinh tế.
Giờ đây dịch virus Corona đang buộc các công ty này phải hạn chế đi công tác ở Trung Quốc hoặc tạm thời đóng cửa các văn phòng, cửa tiệm, nhà hàng và công viên giải trí. Sự gián đoạn hoạt động của các nhà sản xuất Trung Quốc đã làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho các công ty nhập linh kiện để sản xuất mọi sản phẩm, từ xe hơi đến máy chơi game.
Còn quá sớm để đánh giá tác động tài chính toàn diện của việc bùng phát dịch virus Corona. Còn nhiều điều chưa biết, chẳng hạn như khi nào các doanh nghiệp Trung Quốc mở cửa hoạt động trở lại và liệu sự lây lan của virus có gây ra gián đoạn hoạt động tương tự ở các nơi khác trên thế giới hay không.
Nhưng trong vài ngày trở lại đây, các công ty lớn đã tiết lộ mức độ thiệt hại kinh doanh khác nhau, theo đặc thù mỗi ngành nghề, do tác động của dịch virus Corona.
Sau đây là những gì chúng ta được biết đến nay:
Ngành giải trí
Disney đã đưa ra một đánh giá chi tiết hơn về mức độ tác động của dịch virus Corona đến hoạt động kinh doanh.
Trong hơn một tuần, các công viên giải trí của Disney tại Thượng Hải và Hồng Kông đã phải đóng cửa. Việc này được dự đoán sẽ làm giảm 175 triệu USD doanh thu hoạt động của công ty trong quý II.2020, theo bà Christine McCarthy, Giám đốc Tài chính của công ty.
Hãng phim Canada IMAX buộc phải ra mắt năm bộ phim dự định trình chiếu ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ tết nguyên đán.
Ở Nhật Bản, công ty sản xuất trò chơi điện tử và máy chơi game Nintendo, cho biết các chuyến hàng vận chuyển máy chơi game Switch cho khách hàng Nhật Bản sẽ bị hoãn lại.
Cũng trong tuần này, các nhà chức trách của thành phố Ma Cao đã yêu cầu 41 sòng bạc ngừng hoạt động trong nửa tháng. Yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến các công ty điều hành sòng bạc của Mỹ trong khu vực.
Wynn Resorts hiện mất đi từ 2,4 đến 2,6 triệu USD mỗi ngày vì sòng bạc của mình ở Ma Cao vẫn phải đóng cửa do dịch virus Corona, theo lời giám đốc công ty này.
Ngành Công nghệ
Vào tháng 1.2020, Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, cho các nhà phân tích được biết rằng, các nhà cung cấp của Apple có thể bị gián đoạn hoạt động và lượng khách đến cửa hàng của Apple ở Trung Quốc đã giảm.
Apple hiện có doanh thu lớn ở thị trường Trung Quốc và thực hiện gia công hầu hết các sản phẩm của mình ở nước này. Ông Cook nói rằng một số nhà cung cấp của Apple sẽ tiếp tục đóng cả và lượng khách lui tới cửa hàng ở nước này đã và đang giảm mạnh.
Công ty sản xuất chip điện tử Qualcomm, cũng đang chịu tổn thất. Năm ngoái, gần một nửa doanh thu của công ty này đến từ Trung Quốc, đầu mối quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ điện thoại thông minh.
Ông Akash Palkhiwala, giám đốc tài chính của công ty, nói với các nhà đầu tư trong tuần này rằng công ty đã giảm mức doanh thu dự kiến tới mức thấp trong ba tháng tới vì sự bất định do dịch bệnh bùng phát.
Ngành công nghiệp Ô tô
Nhiều nhà máy ô tô hiện vẫn đóng cửa tại Trung Quốc vì dịch virus Corona, bao gồm các nhà máy của Tesla, Ford và Nissan.
Huyndai, nhà sản xuất ô tô lớn thứ năm thế giới, cho biết họ đang tạm thời cho ngừng dây chuyền sản xuất tại các nhà máy ở Hàn Quốc vì thiếu phụ tùng từ Trung Quốc. Các công ty ô tô đã hy vọng có thể khởi động lại sản xuất vào thứ Hai này nhưng số người nhiễm virus gia tăng đã đẩy lịch làm việc lùi lại đến ngày 17.2. Thứ 7 tuần vừa qua, Volkswagen đề cập vấn đề dịch bệnh với kế hoạch “khởi động lại chuỗi cung ứng cũng như cân nhắc phương án công tác giới hạn cho nhân viên ngành sản xuất”.
Theo hãng Reuters, Fiat Chrysler cảnh báo rằng dịch bệnh có thể làm gián đoạn sản xuất tại một trong những nhà máy ở Châu Âu trong vài tuần tới. Nhưng giám đốc điều hành của công ty này cho biết mục tiêu tài chính cho năm 2020 của công ty vẫn không thay đổi.
Ngành vận tải
Trong vài tuần qua, một loạt các hãng hàng không lớn đã hủy các chuyến bay đến Trung Quốc, bao gồm Delta, United và American. Nhưng các hãng này ít đề cập việc hủy bỏ các chuyến bay này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ như thế nào. Các nhà phân tích ước tính rằng tác động có thể tương đối nhỏ.
Theo bà Helane Becker, nhà phân tích ngành hàng không của Cowen Research, doanh thu từ các chuyến bay đến Trung Quốc của United Airlines chỉ chiếm khoảng 4% tổng doanh thu của hãng này, tương tự với Delta Airlines là 3% và American Airlines là 2%.
Một hãng khác cũng phải cắt giảm nhiều chuyến bay là Air China, nhà khai thác lớn nhất trên các đường bay thẳng giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, từ thứ Năm vừa rồi, hãng này đã được Bộ cho phép tiếp tục một số ít ỏi các chuyến bay giữa hai nước,.
Air China do vậy dự định khai thác bảy chuyến bay mỗi tuần, tính cả hai chiều. Trong năm 2018, hãng đã khai thác trung bình 129 chuyến bay mỗi tuần đến và đi từ Hoa Kỳ, theo dữ liệu liên bang.
Sự lây lan của virus Corona cũng đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tàu biển. Vào thứ Sáu, Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean đã cấm tất cả khách mang hộ chiếu Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Ma Cao lên tàu. Theo ông Rob Zeiger, phát ngôn viên của Royal Caribbean cho biết, đại đa số những hành khách này là khách trên các con tàu khởi hành từ Trung Quốc, nơi chỉ chiếm 6% doanh thu của tập đoàn này.
Dịch vụ ẩm thực
Hàng trăm trong số khoảng 3.300 nhà hàng đồ ăn nhanh của McDonald’s ở Trung Quốc đã đóng cửa. Nhưng theo ông Chris Kempczinski, giám đốc điều hành của công ty, tác động tổng thể đến lợi nhuận sẽ là “khá nhỏ” nếu dịch virus được ngăn chặn.
Starbucks đã đóng cửa hơn một nửa trong số 4.300 quán cà phê của mình tại Trung Quốc và trì hoãn cập nhật dự báo tài chính năm 2020, nói rằng họ dự đoán tổn thất đáng kể nhưng chỉ tạm thời.
Và Yum Brands, công ty điều hành các nhà hàng nhượng quyền của KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc, nói rằng gần một phần ba các nhà hàng của mình đã bị đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát. Các nhà hàng còn lại phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh số.
May mặc và hàng xa xỉ
Công ty giày Nike cho biết, khoảng một nửa các cửa hàng ở Trung Quốc đã đóng cửa, những cửa hàng còn lại thì rút ngắn thời gian bán hàng. Nike chưa đưa ra ước tính chính xác về thiệt hại tài chính, nhưng nói với các nhà đầu tư rằng họ dự đoán tình hình dịch bệnh sẽ có tác động lớn đến việc kinh doanh ở Đại Trung Hoa (gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan).
Canada Goose Holdings cho biết tác động của dịch virus Corona đủ lớn khiến họ phải hạ thấp dự đoán lợi nhuận trong năm nay, do lượng khách hàng ở Trung Quốc và ở “các điểm mua sắm quốc tế tại Bắc Mỹ và Châu Âu” đã bị suy giảm. Cũng theo phát ngôn của công ty trong một tuyên bố vào thứ Sáu tuần trước, ở công ty này sẽ “không xảy ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Burberry cũng cảnh báo các nhà đầu tư rằng dịch bệnh đang “ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến nhu cầu sử dụng hàng xa xỉ”. Công ty cho biết, 24 trong số 64 cửa hàng của họ ở Trung Quốc đại lục đã đóng cửa, và tại những cửa hàng còn hoạt động với thời gian rút ngắn, cũng có ít người mua sắm hơn thường lệ.
Tapestry, gã khổng lồ trong ngành thời trang xa xỉ của Mỹ, hiện sở hữu các thương hiệu Kate Spade, Coach và Stuart Weitzman, cho biết dịch bệnh có thể làm giảm tới 250 triệu USD doanh thu của hãng trong nửa sau năm 2020.
Và Estee Lauder, công ty mỹ phẩm cao cấp, cảnh báo dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến kết quả tài chính của họ “trong tương lai gần”, dự đoán rằng doanh thu trong quý III.2020 sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Công ty này cũng cho các nhà đầu tư biết rằng, sự lây lan của virus sẽ làm đình trệ việc đi lại và du lịch theo đường hàng không, làm giảm lượng khách lui tới các khu mua sắm quan trọng trên toàn cầu.
Theo The New York Times