Ngày 27/8, VinFast chính thức công bố cam kết sẽ cung cấp linh kiện, phụ tùng hậu mãi trong tối đa 24 giờ (kể từ ngày 1/9/2024). Thông tin này ngay sau đó đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng người dùng.
“Đúng là chỉ có VinFast mới có cách làm chưa từng có thế này”, anh Trần Thế Vĩnh, một chủ xe VF 6 tại Hà Nội chia sẻ trong một nhóm các chủ xe điện VinFast với hơn 30.000 thành viên. Là người có nhiều kinh nghiệm với các hãng xe khác, theo anh Vĩnh, cam kết trong 24 giờ hoàn toàn không dễ dàng với bất kỳ hãng xe nào. Thông thường, các hãng chỉ có thể cung cấp ngay một số vật tư tiêu hao, còn lại nhiều chi tiết phụ tùng đều cần không ít thời gian để đặt hàng, trung chuyển.
Điều khó theo anh là để đẩy thời gian cung cấp linh kiện phụ tùng lên con số 24 giờ như VinFast, các hãng xe sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ về số lượng linh kiện phụ tùng cam kết đặt hàng với các đối tác, hệ thống kho bãi, kết nối liên thông giữa nhà máy, hệ thống kho và xưởng dịch vụ. Ngoài ra còn là thiết lập quy trình vận hành tối ưu, cải thiện “thời gian chết” giữa các khâu….
“Nói thì tưởng đơn giản thực tế sẽ cam kết như VinFast đòi hỏi yêu cầu đầu tư quá lớn, điều mà các hãng không muốn và cũng không đặt nặng sau khi bán xe. Đó là lý do chưa từng có hãng xe nào ở Việt Nam đặt ra một con số tương tự”, anh Vĩnh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, không chỉ ở phạm vi thị trường Việt Nam, cam kết của VinFast có thể coi là lần đầu tiên thấy trên thế giới.
Ông Phúc phân tích, sau tất cả các khâu nghiên cứu phát triển, logistic,… thời gian để một chiếc ô tô “ra lò” hiện cần chưa đầy 40 giây. Tuy nhiên, vấn đề là lâu nay các hãng xe chỉ tập trung vào việc làm sao để sản xuất nhanh nhất mỗi chiếc xe mà chưa đặt ra một tiêu chí tương tự cho khâu hậu mãi.
“Một cách khoa học thì hậu mãi cũng có thể trở thành một quy trình tốc độ như sản xuất. Đó là thách thức lớn nhưng không phải là không làm được và các hãng xe có thực sự nghiêm túc làm không”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nói.
Đó là lý do ông đánh giá rất cao VinFast với cam kết mới được đưa ra. Ngoài quyết tâm thay đổi mạnh mẽ, điều mà hiếm nhà sản xuất làm được như VinFast là một hệ sinh thái được đầu tư đầy đủ tại Việt Nam, từ nhà máy, hệ thống nhà cung cấp, logistic… và đặc biệt là tinh thần cải tiến và đối mới sáng tạo mạnh mẽ của hãng xe Việt.
Với tư cách là một chủ xe VF 8, theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, VinFast rõ ràng không chỉ là một “doanh nghiệp bán xe” mà còn là một nhà cung cấp dịch vụ thực thụ. Quan trọng hơn là cách thương hiệu Việt đang từng ngày cải thiện chất lượng dịch vụ và tạo ra một hệ sinh thái toàn diện hơn cho khách hàng.
Ở góc độ toàn thị trường, theo ông, nếu VinFast làm tốt, đây sẽ là bài học mà các hãng xe khác phải “nhìn nhau”. Có thể các thương hiệu khác sẽ không đạt được cam kết 100% như VinFast nhưng rõ ràng khi đã có người đi đầu, có sự cạnh tranh, các thương hiệu sẽ phải tự nâng chuẩn mực để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Điều này đã được chứng minh trước đó với những chính sách chưa từng thấy khác của VinFast như thời gian bảo hành lên tới 10 năm, xưởng dịch vụ không ngày nghỉ… “VinFast đã và đang tạo ra sự thay đổi trên thị trường, bắt nguồn từ việc tạo ra những tiền lệ mới, chuẩn mực mới”, ông Phúc nói.
Trong khi đó, ở khía cạnh kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS Trần Minh An, người đã theo dõi VinFast từ những ngày đầu tiên cho rằng, không chỉ làm lợi cho người dùng, chuẩn mực mới cũng tạo ra tác động dây chuyền với các doanh nghiệp cung ứng và nhiều lĩnh vực liên quan khác trong cải thiện quy trình, tối ưu hiệu quả và tốc độ.
“Chính các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất sẽ trưởng thành hơn, sự luân chuyển hàng hóa trong nền kinh tế sẽ được cải thiện, từ những doanh nghiệp tiên phong vượt qua giới hạn cũ như VinFast”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo TS Trần Minh An, hành động cam kết quyết liệt này của VinFast cho thấy hãng xe điện Việt khác biệt thế nào so với số đông. “VinFast là minh chứng sống động cho tinh thần Việt Nam mãnh liệt, nói là làm, không ngần ngại suy tính thiệt hơn vì cái lợi chung của cộng đồng, thị trường và toàn bộ khách hàng”, ông An nhận định.