Việt Nam có ưu thế trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

dohung

12/12/2018 11:30

Việt Nam có ưu thế xuất khẩu các loại nông sản có thời gian tươi lâu do thuận lợi về mặt địa lý.

“Sầu riêng, dứa của Thái Lan khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần được bảo quản bằng thuốc, còn Việt Nam thì không, giữ nguyên hương vị tự nhiên, khách hàng rất thích” - trao đổi bên lề Diễn đàn kinh tế xanh 2018, ông Tôn Nham, phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp Trung Quốc - Asean nói về lợi thế xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Tôn Nham, phó chủ tịch phòng thương mại nông nghiệp Trung Quốc - Asean nói về lợi thế xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Tôn Nham, phó chủ tịch hiệp hội nông nghiệp Trung Quốc - Asean nói về lợi thế xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo chủ trương giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, hiện tại hàng hoá xuất khẩu Việt Nam nói chung, hàng nông sản nói riêng đang được thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên. Ông Tôn Nham cho biết hàng năm, trước tết Nguyên Đán, sẽ có danh sách các loại hàng nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thời gian thương lượng để đưa một loại hàng nông sản vào danh sách xuất khẩu chính ngạch là tương đối lâu, tuy nhiên ông Tôn Nham không đưa ra con số cụ thể.

Thông thường, để được xét, sản lượng một sản phẩm phải được khối lượng xuất khẩu tối thiểu, sau đó mới đến bước xác nhận những đặc tính khác về mặt chất lượng và các tiêu chuẩn khác.

Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ người, đang là thị trường tiêu thụ đáng mơ ước với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới, không chỉ Việt Nam, là quốc gia láng giềng có đường biên giới dài hơn một nghìn km.

Năm 2017 kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc là 125,86 tỉ USD, tăng 14,29 tỉ USD so với năm 2016, mức tăng trưởng 12,8%.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2018, mức nhập khẩu nông sản tiếp tục mở rộng, kim ngạch nhập khẩu 32,03 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Đất nước đông dân nhất thế giới đã trở thành nước lớn nhập khẩu nông sản thực sự.

Năm 2017 lượng trái cây nhập khẩu của Trung Quốc tăng 11%, hơn 3.800.000 tấn, giá trị là 6,6 tỉ USD.

Trung Quốc đang là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Số liệu từ tổng cục hải quan cho biết trên hai phần ba giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam là xuất sang thị trường Trung Quốc.

Quan sát của ông Tôn Nham cho biết sản lượng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và Myanmar vào Trung Quốc đang tăng. Ông ấn tượng với sản phẩm nhãn, tăng gần gấp rưỡi trong năm 2017. 70% sản lượng nhãn nhập khẩu vào Trung Quốc là từ Việt Nam, còn lại từ Thái Lan. Thanh long Việt Nam cũng là nguồn nhập khẩu chính của Trung Quốc, với nhu cầu ổn định qua những năm gần đây.

Về xuất khẩu nông sản Hậu Giang vào Trung Quốc, bằng kinh nghiệm xúc tiến thương mại lâu năm của mình, ông Tôn Nham cho rằng có nhiều vấn đề mà nông nghiệp Hậu Giang cần phải quan tâm và chú ý: Cơ chế và tổ chức; Thông tin thị trường; Quản lý chuỗi cung ứng; Bảo quản tươi ngon; Người tiêu dùng (chất lượng và bao bì bắt mắt); Maketing; Giao dịch đại chúng; Hoạt động online và offline; Logistics (Con đường trực tiếp hàng tươi ngon); Nông nghiệp số (Truy xuất nguồn gốc chính xác).

Đặc biệt về logistics, ông Nham cho rằng Hậu Giang nói riêng, Việt Nam nói chung cần chú ý hơn nữa. “Thái Lan có hệ thống logistics rất tốt và đầu tư bao bì đẹp, tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm. Họ cũng thực hiện rất nhiều kế hoạch tuyên truyền hợp tác, đó là những bài học cho nông sản Việt Nam”. - ông Tôn Nham kết luận.

dohung