Lớp kiểu này tôi ít gặp lắm vì tinh thần của lãnh đạo thường cao nhất trong lớp. Tôi bảo “anh là lãnh đạo mà anh toàn nhìn thấy khó khăn to hơn cơ hội thế thì nguy quá”.
Đúng ra câu tôi phải nói là: nếu anh muốn giúp công ty mình chuyển đổi văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm thì việc hay nhất anh cần làm lúc này là …. Anh xin nghỉ việc đi! Anh như tướng tiên phong lên ngựa rồi hô to “tất cả theo tôi chạy trốn” vậy.
Tiếp bài giảng, tôi không gọi anh phát biểu nữa vì không muốn cả team nản lòng và không muốn thời gian của tôi trở nên lãng phí.
Việc của một nhà quản lý hay lãnh đạo là tạo ra sự thay đổi tích cực. Nếu bạn không tạo ra sự thay đổi tích cực, đừng mất công chứng minh mình thông minh hay đúng. Vì không tạo nên sự thay đổi tích cực thì không thông minh và cũng không đúng đâu mà chứng minh. Đừng nhầm lẫn giữa thực tế và bi quan. Nếu anh nói đó là “thực tế” của doanh nghiệp anh thì thực tế đó sẽ mãi mãi là “thực tế” của anh. Tương lai đó đã mặc định với anh rồi.
Bạn phải tạo nên sự thay đổi tích cực cho tổ chức, bạn tin nó sẽ xảy ra, và vẫn ý thức được những cái tồn tại đang hiện hữu… đó nên là cách hiểu chữ "thực tế".
Hàng ngày tôi nhận được thông tin rất nhiều cách làm tốt mà mọi người đang làm cho doanh nghiệp của mình… “khách hàng trung thành của bên em tăng mạnh lắm”, “em bị ám ảnh bởi lợi nhuận xấu và đang thay đổi rất tích cực”, “nhân viên của em thay đổi hẳn thái độ với khách hàng”, “em đã ra chính sách đổi một sản phẩm mới dù sản phẩm thực phẩm nhận lại thì hầu như không dùng nữa…”.
Năng lực với cái mới là khả năng bỏ đi cái cũ! Tôi đã có một bài về vấn đề này trong cuốn trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Nếu tiềm thức của bạn nhiều rác... thì tương lai sẽ càng nhiều rác khi bạn chưa thể "đổ" bớt được cái cũ đó đi.
Hàng trăm người đồng ý với bạn và cổ vũ bạn nhưng sẽ đều thất bại. Vì người quan trọng nhất bạn cần sự cổ vũ để thành công, là chính bạn thôi. Nếu bạn có niềm tin mạnh mẽ… thì cấp trên hay cơ chế cũng không cản được bạn, và niềm tin của bạn thì đơn giản chỉ là tên gọi khác của thái độ... được cộng dồn lại mà thôi.
Lời toà soạn: Nguyễn Dương là Tác giả sách Trải Nghiệm Khách Hàng Xuất Sắc. Bài viết được đăng trên facebook tác giả và để chế độ công khai. Toà soạn giữ nguyên văn để tôn trọng quyền tác giả.