Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu các bộ ngành báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của Tổng công Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) trong tháng 2 năm nay, cũng như đồng ý dừng việc giao doanh nghiệp này làm chủ đầu tư 2 khu công nghiệp Tân Dân và Lý Thường Kiệt tại Hưng Yên do không có khả năng thực hiện dự án.
Ngoài ra, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn các nhà đầu tư mới thay thế Vidifi làm chủ đầu tư. Nhà đầu tư mới có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ kinh phí Vidifi đã đầu tư vào 2 khu công nghiệp.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Vidifi và các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên) báo cáo, đánh giá toàn diện về dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Các bộ ngành này cũng được yêu cầu báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của Vidifi, việc triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; phương án tài chính và cơ chế tài chính của dự án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp; xác định các khoản chi phí Vidifi đã đầu tư cho các dự án.
Lỗ gần 6.700 tỷ đồng trong 4 năm vì dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 có tổng mức đầu tư hơn 45.500 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 105 km, trong đó 6 km chạy qua Hà Nội, 26 km qua Hưng Yên, 40 km qua Hải Dương và 33 km qua Hải Phòng.
Dự án do Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cổ đông chính của Vidifi đồng thời cũng là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho dự án này. Bên cạnh VDB, Vidifi còn có 2 cổ đông thiểu số khác là Vietcombank và Vinaconex.
Sau khi thông xe toàn tuyến từ cuối năm 2015, năm 2016 là năm đầu tiên Vidifi có nguồn thu đáng kể từ việc thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau hơn 7 năm đầu tư.
Ngay từ khi đi vào vận hành, vấn đề thu không đủ bù lãi vay đã là bài toán chưa có lời giải của Vidifi. Doanh thu năm 2019 đã có sự khởi sắc đáng kể khi tăng lên gần 2.400 tỷ so với mức 1.900 tỷ của 2 năm trước đó nhưng chi phí tài chính quá lớn vẫn khiến công ty lỗ thêm 1.200 tỷ trong năm vừa qua.
Hai năm gần đây, doanh thu của Vidifi đạt khoảng 1.900 tỷ đồng/năm trong khi chỉ riêng chi phí tài chính đã lên đến 2.900 tỷ đồng. Do vậy mà Vidifi đã lỗ lần lượt gần 2.200 tỷ và 1.500 tỷ đồng trong 2 năm vừa qua. Tổng lỗ của 4 năm đi vào vận hành là gần 6.700 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019 - tức sau 4 năm vận hành chính thức - tổng lỗ lũy kế của Vidifi đã lên đến hơn 6.300 tỷ đồng, vượt xa so với vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng – dẫn đến vốn chủ sở hữu âm gần 2.600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ phải trả của Vidifi là hơn 41.180 tỷ đồng - phần lớn là khoản vay dài hạn hơn 35.200 tỷ đồng.
Là công ty do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và CTCP Đầu tư Sài Gòn góp vốn thành lập
Vidifi được thành lập để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cùng Ngân hàng ngoại thương Việt Nam chủ trì huy động vốn để đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT.
Kết quả là, vào năm 2008, công ty được thành lập với các cổ động bao gồm VDB, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (VCB), Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vianconex) và CTCP Đầu tư Sài Gòn với tổng vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng.
Vidifi thời điểm đó được Thường trực Chính phủ giao trực tiếp làm Chủ đầu tư để triển khai Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ với dự án cao tốc trên. Vidifi không phải là Doanh nghiệp Nhà nước và vốn sử dụng cho các dự án không phải là vốn Nhà nước.
Theo thông tin từ website của công ty, Vidifi cũng đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản và các Dự án có hiệu quả khác nhằm góp phần thu hồi vốn đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Với lợi thế của các Cổ đông sáng lập, VIDIFI sẽ có nhiều thuận lợi về vốn, về đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản; có ưu thế để vận động, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.