Ứng dụng Bolt tiến vào Việt Nam: Đối thủ mới có đủ sức "lật đổ" Grab sau sự rút lui của Gojek và Baemin?

Lucia Nguyễn (Tổng hợp)

20/01/2025 15:10

Sự xuất hiện của Bolt tại thị trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về khả năng cạnh tranh với Grab, đặc biệt sau khi Gojek và Baemin đã rời khỏi cuộc chơi.

1-1737358486.webp

Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang chuẩn bị chào đón một "người chơi" mới: Bolt, ứng dụng gọi xe hàng đầu châu Âu. Gần đây, Bolt đã bắt đầu tuyển dụng tài xế và nhân sự quản lý tại TP.HCM, cho thấy ý định mở rộng hoạt động vào Việt Nam. 

Động thái này đặt ra câu hỏi liệu Bolt có thể thách thức vị thế thống trị của Grab, đặc biệt sau khi các đối thủ như Gojek và Baemin đã rút lui khỏi thị trường.

Bolt, được thành lập năm 2013 tại Estonia, hiện hoạt động tại hơn 50 quốc gia với hơn 200 triệu khách hàng. 

Năm 2022, công ty huy động được 628 triệu euro, nâng định giá lên 7,4 tỷ euro. Doanh thu năm 2024 đạt hơn 2,1 tỷ USD, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bolt bắt đầu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á vào năm 2020, với điểm đến đầu tiên là Thái Lan. Tại đây, Bolt đã nhanh chóng thu hút người dùng nhờ chiến lược giá cả cạnh tranh và dịch vụ chất lượng. 

Đến tháng 11/2024, Bolt tiếp tục mở rộng sang Malaysia, tuyên bố sẽ "phá vỡ sự thống trị của Grab" tại thị trường này. Việc mở rộng này cho thấy tham vọng của Bolt trong việc chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng.

Mặc dù có tiềm lực mạnh, Bolt sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi gia nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, hai "kỳ lân" công nghệ là Gojek và Baemin đã phải rút lui do cạnh tranh khốc liệt và chi phí hoạt động cao. 

Sự rút lui của các đối thủ này đã củng cố vị thế của Grab tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự gia nhập của Bolt có thể tạo nên làn gió mới, đặc biệt khi công ty này có kinh nghiệm cạnh tranh với Uber tại châu Âu. Để thành công, Bolt cần đưa ra chiến lược khác biệt, tập trung vào chất lượng dịch vụ và giá cả cạnh tranh.

Cạnh tranh trong thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam

2-1737358450.webp

Trụ sở chính của Bold tại Estonia

Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Theo báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" do Q&Me thực hiện, Grab vẫn là nền tảng chiếm thị phần cao nhất với 42%, còn Be và Xanh SM - 2 ứng dụng của Việt Nam - đang ngày càng tăng trưởng và tiến gần với tỷ lệ lần lượt 32% và 19%.

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tài xế là mức hoa hồng mà các ứng dụng gọi xe áp dụng. 

Tại Việt Nam, Grab hiện thu mức hoa hồng từ 20% đến 25% trên mỗi chuyến xe. Tuy nhiên, sau khi áp dụng thuế VAT và các khoản khấu trừ khác, tỷ lệ khấu trừ tổng cộng có thể lên đến 27,273% đối với GrabBike và 32,841% đối với GrabCar. 

Trong khi đó, Bolt nổi tiếng với chiến lược thu hoa hồng thấp để thu hút tài xế. Tại các thị trường mới như Thái Lan và Malaysia, Bolt áp dụng mức hoa hồng cố định là 15% khi ra mắt, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút cả tài xế và hành khách. 

Sự chênh lệch về mức hoa hồng này có thể là lợi thế cạnh tranh của Bolt tại Việt Nam. Mức hoa hồng thấp hơn đồng nghĩa với thu nhập cao hơn cho tài xế, từ đó khuyến khích họ chuyển sang hoặc bắt đầu hợp tác với Bolt. 

Tuy nhiên, để duy trì mức hoa hồng thấp và đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ, Bolt cần có chiến lược kinh doanh bền vững và khả năng tài chính mạnh mẽ.

Việc Bolt dự định gia nhập thị trường Việt Nam mở ra nhiều kỳ vọng về sự đa dạng và cạnh tranh trong lĩnh vực gọi xe công nghệ. Tuy nhiên, để đạt được thành công, Bolt cần học hỏi từ những bài học của các đối thủ trước đó và xây dựng chiến lược phù hợp với thị trường đầy thách thức này.

Sự thành công của Bolt tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng thích nghi và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

Lucia Nguyễn (Tổng hợp)