Trường Đại học FPT công bố tổ chức giải thi đấu robot quy mô toàn cầu tại Việt Nam

Mai Phương

08/11/2023 08:12

Ngày 07/11 tại Hà Nội, Trường Đại học FPT đã ký kết hợp tác với FIRST® (Mỹ) và công bố tổ chức giải thi đấu robot FIRST®Tech Challenge Vietnam, chọn đại diện tham gia vòng vô địch thế giới. Sự kiện đồng thời mở ra cơ hội học tập, trải nghiệm công nghệ robot cho hàng triệu học sinh phổ thông.

Tại sự kiện, TS. Nguyễn Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT và ông Mike Shea – Phó Chủ tịch phân phối chương trình, đại diện đối tác FIRST® (Mỹ) đã có Lễ ký kết thoả thuận hợp tác qua hình thức trực tuyến. Theo đó, Trường ĐH FPT được FIRST® trao quyền tổ chức giải thi đấu robot theo thể thức và tiêu chuẩn của FIRST® (Mỹ) tại Việt Nam – FIRST® Tech Challenge Vietnam (FTC Vietnam).

le-ky-ket-pld-1699360014.jpg

Trường Đại học FPT đã ký kết hợp tác với FIRST® (Mỹ).

Giải đấu dành cho học sinh THCS – THPT (lớp 7 – lớp 12) trên toàn quốc, tham gia thi theo nhóm từ 3 – 15 thành viên và một cố vấn chuyên môn (mentor). Các đội được yêu cầu sử dụng một số trang thiết bị cơ bản giống nhau theo tiêu chuẩn quốc tế từ ban tổ chức (bộ thiết bị KIT cơ bản gồm mạch điều khiển, động cơ, cảm biến), cùng với việc tự do vận dụng kiến thức, kỹ năng lập trình, kết cấu cơ khí… để thiết kế các sản phẩm robot giải quyết được đề bài mà cuộc thi đưa ra. 

Năm nay, bài toán đặt ra với các đội tuyển tham dự FIRST® 2024, với chủ đề “Thế hệ trẻ kiến tạo tương lai” và thách thức FIRST® IN SHOW℠. Các đội tham dự cuộc thi sẽ phải thiết kế robot có khả năng vẽ tranh, làm các công việc sáng tạo cùng con người.     

FIRST® Tech Challenge Vietnam 2024 (FTC Vietnam) sẽ chọn ra một đội xuất sắc nhất (Inspire Award) giành quyền đại diện quốc gia tham gia thi đấu tại FIRST® Tech Challenge toàn cầu, tổ chức ở Mỹ vào tháng 4/2024. 

Chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Xuân Phong khẳng định, con đường ngắn nhất để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu là thông qua khoa học công nghệ. Với mong muốn mang lại sân chơi về khoa học công nghệ cho toàn thể học sinh và thế hệ trẻ Việt Nam, FPT rất tự hào khi được FIRST® lựa chọn trở thành đối tác và tổ chức cuộc thi tại Việt Nam.

ts-nguyen-xuan-phong-pld-1699360013.jpg

TS. Nguyễn Xuân Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT phát biểu tại sự kiện.

Để hỗ trợ cho các học sinh THCS và THPT trên toàn quốc tiếp cận FTC, Trường ĐH FPT cũng tổ chức chương trình Vietnam Open Robotics Challenge (VORC) với các điểm thi và hỗ trợ khu vực được đặt tại 5 campus của ĐH FPT trên toàn quốc ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. 

Học sinh tại các trường phổ thông sẽ được huấn luyện để tham gia làm quen với robot ở dạng thức đơn giản hơn cũng như theo hình thức mô phỏng trực tuyến. Các đội đạt giải cao tại các vòng thi khu vực sẽ được hỗ trợ bộ linh kiện robot tiêu chuẩn và kinh phí để tham gia vòng thi chính thức của FTC tại Hà Nội vào tháng 02/2024.

"Qua hoạt động thi đấu, đào tạo, trải nghiệm công nghệ nói chung và robotics theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nói riêng, học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, khơi nguồn sức sáng tạo và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này.” – thầy Phong cho biết thêm.

cac-doi-tuyen-robot-tham-gia-thi-dau-pld-1699360013.jpg

Thế hệ trẻ Việt Nam phát huy tiềm năng và sức sáng tạo trong các cuộc thi robot.

Những năm gần đây, nhiều đội tuyển học sinh, sinh viên Việt Nam đạt thành tích tốt tại các giải đấu robot quy mô toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, sở hữu lực lượng lao động trẻ tiềm năng, có khả năng ứng dụng những công nghệ cao như AI, Big Data… hay các ngành đang là xu thế của thế giới như chip và vi mạch bán dẫn. 

Thông qua các hoạt động thi đấu, đào tạo, trải nghiệm công nghệ nói chung và robotics theo tiêu chuẩn các quốc gia và tổ chức quốc tế uy tín, học sinh, sinh viên Việt Nam có thêm nhiều cơ hội quý báu để học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, khơi nguồn sức sáng tạo và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Mai Phương