Ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2020-2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai và dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông lâm thủy sản và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2022.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất trên tất cả các lĩnh vực đã giúp cho ngành nông nghiệp luôn phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng.
Để gặt hái được những thành công trên, ngành đã tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình mới, hiệu quả cao đã được các địa phương triển khai và nhân rộng. Hiệu quả, tính lan tỏa của các mô hình tiêu biểu đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt hơn 9.000 tỷ đồng; sản lượng lượng thực đạt hơn 30 vạn tấn; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 59.000 tấn, tăng 150%; Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt 1 triệu m3/năm. Có 115 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 15 chuỗi thực phẩm an toàn... góp phần duy trì ổn định cho tăng trưởng nội ngành nông-lâm-thủy sản cũng như đóng góp chung vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giúp ngành nông nghiệp duy trì vị thế là ”bệ đỡ” của nền kinh tế, hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế-xã hội…
Tại hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, giai đoạn 2020-2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai và dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Những nguyên nhân đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông lâm thủy sản và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021–2023 ước đạt 3% (Năm 2021, 3,23%, năm 2022, 1,06% và năm 2023 – ước đạt 5,41%). Để đạt được được những thành công trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình mới, hiệu quả cao đã được các địa phương triển khai và nhân rộng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị các ban, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ… các chủ trương, chính sách mới, phù hợp giúp thúc đẩy việc mở rộng sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND tiếp tục quan tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu KTXH của tỉnh; tiếp tục triển khai những chủ trương, chính sách đặc thù của địa phương nhằm đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng;
Phối hợp, chỉ đạo các địa phương, người dân trên địa bàn duy trì và nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả đã được chứng minh, đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp, đồng hành và hỗ trợ tích cực hơn nữa trong kêu gọi, thu hút các Doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn;
Tham mưu UBND tỉnh trong công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Các Sở, Ngành, địa phương phối hợp tích cực với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để duy trì và nhân rộng các mô hình/dự án/chương trình đã triển khai đạt hiệu quả; Đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, từng bước hình thành các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, ông Đồng cũng yêu cầu các doanh nghiệp nghiên cứu, phối hợp nhằm chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa KHCN vào sản xuất trên địa bàn, nhất là các tiến bộ KHCN mới, thân thiện với môi trường, đóng góp mạnh mẽ vào hiện thực hóa mục tiêu phát thải cacbon bằng 0 của Chính phủ đề ra.
Đề xuất các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; nghiên cứu đa dạng các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương.