Tòa nhà trụ sở diện tích sử dụng hơn 100.000 m2 của FLC đã về tay OCB

Quý Quý

08/05/2022 07:41

Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2.

tru-so-flc-1651970202.png
Tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở

Ngày 6/5 vừa qua, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại quyết định ngày 24/3/2022, Tập đoàn FLC đã công bố bổ sung 51 nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về giao dịch với bên liên quan. Các nghị quyết này được ban hành trong giai đoạn từ 24/3/2020 đến 13/5/2021 và theo quy định phải được công bố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm kết thúc cuộc họp HĐQT.

Một trong số những văn bản vừa được công bố là Nghị quyết HĐQT số 61B ban hành vào ngày 9/11/2020 về việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tập đoàn FLC và CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB).

Tài sản mà Tập đoàn FLC dùng để gán nợ là tòa tháp văn phòng 42 tầng tại số 265 phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đó, tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB. Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2.

Sau khi gán nợ, Tập đoàn FLC thuê một phần diện tích của tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng Phương Đông (OCB) để làm trụ sở hoạt động từ cuối năm 2020.

Trước đó vào ngày 21/9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Thăng Long.

Như Nhaquanly.vn đã đưa tin, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của OCB tổ chức vào ngày 23/4 vừa qua, lãnh đạo OCB nhận nhiều chất vấn của cổ đông về Tập đoàn FLC và Đại Nam, hai khách hàng có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, bà Nguyễn Phương Hằng - những người vừa bị bắt.

Về khoản vay của FLC, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết FLC đang nhiều có dự án tiềm năng ở Việt Nam như: khu vực Quảng Ninh, Quy Nhơn, Thanh Hóa… Mục tiêu của OCB là phát triển bán lẻ bên cạnh FLC, OCB cũng cho vay một số dự án BĐS của: Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land.

OCB cho FLC vay chủ yếu tập trung vào 2 dự án Tropical 1 và 2 ở Quảng Ninh, hiện nay 2 dự án vẫn đang được triển khai. Khi cho FLC vay OCB dựa vào dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, số tài sản đảm bảo trên 2.000 tỷ có sổ cấp cho chủ đầu tư. Việc tài sản đảm bảo rất chặt chẽ.

Về mặt giải ngân, ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ. Đối với dự án Tropical 2, tổng hạn mức cho vay là 400 tỷ đồng. OCB chỉ cho vay dựa trên khối lượng đã hình thành, thực tế OCB chỉ giải ngân 280 tỷ đồng.

Trước khi xảy ra sự việc ông Trịnh Văn Quyết, FLC luôn trả nợ đúng hạn. Ngoài dư nợ FLC, OCB cũng cho Bamboo Airways vay. Giống như Sacombank, hiện nay OCB cũng đang thương lượng thu nợ. Tổng Giám đốc OCB cũng cho biết ngay trong tháng này thì OCB sẽ thu hồi nợ của FLC khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, ông Tùng cũng cho biết với dự án FLC đang triển khai, có nguồn thu thì tạo điều kiện để họ bán và thu tiền về. Hiện nay vụ việc này cũng được báo cáo chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của FLC, tính đến ngày 31/3 năm nay, FLC đang vay ngắn hạn OCB 713 tỷ đồng, ngoài ra còn hai lô trái phiếu dài hạn phát hành cho OCB Chi nhánh Thăng Long và OCB Chi nhánh Hà Nội với giá trị lần lượt 396 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.

Đối với công ty Đại Nam của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết tổng dư nợ ngân hàng cho Đại Nam vay là trên 1.000 tỷ đồng, nhưng các khoản nợ của Đại Nam đều có sổ đỏ, không đáng lo. Tuy nhiên “30 năm làm ngành ngân hàng chưa bao giờ gặp trường hợp như chị Nguyễn Phương Hằng”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Nhiều người cứ nghĩ Đại Nam là doanh nghiệp địa ốc nhưng thực chất họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm dịch vụ khu công nghiệp, sản xuất găng tay. Số tiền OCB cho Đại Nam vay không liên quan đến khu giải trí Đại Nam mà cấp vốn cho nhà máy sản xuất găng tay xuất sang Mỹ của họ.

Ngày hôm qua, khách hàng Đại Nam đã trả cho OCB 450 tỷ đồng. Với nguồn thu của Đại Nam sẽ thừa sức trả cho OCB và các ngân hàng. CEO OCB thông tin tập đoàn Đại Nam đã ký hợp đồng bán tài sản cho đối tác, trong hai tháng tới có thể thu về 4.500 tỷ đồng.

Sự việc liên quan FLC và Đại Nam có ảnh hưởng tới kế hoạch tín dụng của ngân hàng thời gian tới, song OCB sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, mở rộng cho vay bán lẻ. Khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi.

Quý Quý