Là 9x duy nhất được tham gia vào HĐQT của một ngân hàng Việt tính đến thời điểm hiện tại, cụ thể hơn: Trịnh Thị Mai Anh (sinh năm 1992) vừa được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khi chỉ mới 28 tuổi. Được biết, Mai Anh là con gái của ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB.
Trong những năm gần đây, có một làn sóng tái cơ cấu nhân sự cấp cao đang diễn ra ở các Ngân hàng, nhiều nơi chọn ‘trẻ hóa đội hình’ với sự góp mặt của những lãnh đạo 8x, thậm chí 9x. Không những tuổi trẻ, họ còn nắm giữ những vị trí quan trọng như chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT hay tổng giám đốc... và Mai Anh là một điển hình.
Sở hữu một profile cực kì ấn tượng, Mai Anh tốt nghiệp Cử nhân Khoa Khoa học Kinh tế và Chính trị ở nước Anh (London School of Economics and Political Science). Trước khi được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT OCB, ái nữ Chủ tịch OCB cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại các ngân hàng, tập đoàn có tiếng như: Ngân hàng HSBC London, Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam, Tập đoàn VinaCapital, Tập đoàn Temasek Singapore.
Ngoài là thành viên HĐQT của OCB, Mai Anh còn sở hữu lượng cổ phiếu khủng của ngân hàng này với hơn 32,2 triệu và nằm trong Top 130 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam dù tuổi đời còn rất trẻ.
Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2021 của Ngân hàng OCB vừa mới công bố vào ngày 13/7/2021, gia đình của ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ gần 204 triệu cổ phiếu OCB, tức sở hữu tới hơn 18,6% vốn cổ phần ngân hàng này.
Cụ thể ông Trịnh Văn Tuấn đang sở hữu khoảng 48,6 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,43%. Vợ ông là bà Cao Thị Quế Anh sở hữu 35,2 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 3,21%.
Ông Trịnh Văn Tuấn có 4 người con gái, trong đó 3 người sở hữu tổng cộng khoảng 120 triệu cổ phiếu. Cụ thể, Trịnh Thị Mai Anh sở hữu hơn 32,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,94%; Trịnh Mai Phương – Paula sở hữu hơn 41 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,75%; Trịnh Mai Linh sở hữu hơn 46,8 cổ phiếu, tỷ lệ 4,27%. Riêng người con gái còn lại của ông Tuấn, Trịnh Mai Vân không sở hữu cổ phiếu nào.
Về Trịnh Văn Tuấn: ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam kể từ những năm 1995 và đã đạt được những thành công đáng nể. Ông cũng nằm trong nhóm “Đông Âu Tứ hùng" của giới ngân hàng Việt Nam cùng với những ông chủ ngân hàng nổi tiếng và đều khởi nghiệp từ Đông Âu gồm: ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch HĐQT VIB), ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT VPBank) và ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank).
Ban đầu, ông Tuấn là thành viên sáng lập Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và cũng từng làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trong 6 năm (2002 – 2008).
Đến năm 2010, ông Tuấn rời VIB sang OCB. Từ tháng 5/2012, ông Tuấn lên làm Chủ tịch HĐQT OCB và giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này suốt thập kỷ qua. Tuy bắt đầu ở OCB vào thời điểm ngành ngân hàng có nhiều biến động tiêu cực do ảnh hưởng của cơn bão tài chính nhưng với sự dẫn dắt của ông Tuấn, ngân hàng OCB đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng chú ý. Trong đó nổi bật phải kể đến sự hợp tác với cổ đông chiến lược nước ngoài là Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản) vào tháng 6/2020.
Trước đó, Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) là đối tác chiến lược nước ngoài của OCB. Tuy nhiên, sau biến cố phải nộp phạt 9 tỷ USD với Chính phủ Mỹ, BNP Paribas có sự thay đổi chiến lược, thu gọn các khoản đầu tư toàn cầu nên đã quyết định rút khỏi OCB từ năm 2014. Đến năm 2018, BNP Paribas chính thức thoái vốn tại OCB.
Sau khi BNP Paribas rút khỏi, Aozora Bank đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược của OCB với việc mua 15% cổ phần. Giao dịch này được vinh danh trong top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 – 2020 tại Việt Nam và góp phần giúp OCB đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào đầu năm 2021.
Thành lập năm 1996, từ khởi đầu với vô số khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng OCB dần trụ vũng và nằm trong nhóm ngân hàng hoạt động hiệu quả ở Việt Nam.
Kể từ khi thành lập, OCB trải qua một đợt tái cấu trúc tổ chức và cổ đông vào năm 2010. Sau khi tái cấu trúc, giai đoạn 2009-2019, tổng tài sản của OCB tăng 10 lần. Nhưng không dừng lại ở đó, OCB vẫn đẩy mạnh việc tái cấu trúc, nhờ đó giúp OCB vượt qua khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011.
Giai đoạn 5 năm trở lại đây (2015-2020) kết quả kinh doanh của OCB tăng trưởng trung bình 74% mỗi năm, là một trong những ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận.
Tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ, tăng 29% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019.
Đến năm 2021, dù bị ảnh hưởng khó khăn do dịch Covid-19 song OCB vẫn đạt được những kết kinh doanh tính cực, đánh dấu đà tăng trưởng vững chắc của ngân hàng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu thuần của OCB đạt 4.249 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, OCB cũng có nhiều hoạt động góp phần khẳng định vị trí trên thị trường tài chính ngân hàng trong nước. Tiêu biểu là việc chính thức niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với gần 1,1 tỷ cổ phiếu.
Đến tháng 8/2021, cổ phiếu OCB đã đạt đủ điều kiện để được cấp giao dịch ký quỹ margin trên thị trường chứng khoán do đáp ứng được điều kiện niêm yết đủ 6 tháng trên sàn HoSE và thỏa mãn các tiêu chí về kết quả hoạt động kinh doanh trong 06 tháng đầu năm 2021.
Tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản của ngân hàng OCB đạt 167.596 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng trong quý III, nợ xấu của ngân hàng OCB cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% so với quý II. Điều này trái ngược với nhiều ngân hàng khác ghi nhận nợ xấu tăng đáng kể trong quý III/2021 vừa qua do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19.
Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III đạt 6.246 tỷ đồng, tiếp tục tăng 23,3% so với cùng kỳ. Mặc dù trải qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, tính đến cuối quý III, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Với những kết quả kinh doanh ấn tượng, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng trong năm 2021. Hội đồng quản trị cũng đặt mục tiêu đưa OCB vào Top 5 ngân hàng tư nhân của Việt Nam vào năm 2025.