Ưu thế về địa lý luôn là một trong những đặc thù quan trọng của quan hệ đối tác kinh tế chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
Đều là những nền kinh tế mở với nhiều thành tựu nổi trội đạt được trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển và có xu hướng gia tăng về quy mô cũng như tính chất phức tạp của các giao dịch. Theo đó, để góp phần thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh, phương thức trọng tài thương mại ngày càng được ưa chuộng và ưu tiên sử dụng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh như một trong những tiêu chí quan trọng đảm bảo thực thi hợp đồng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bày tỏ, mặc dù thế giới đã và đang có nhiều biến động nhất là từ năm 2018 cho tới nay nhưng Trung Quốc và Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều hoạt động thương mại và đầu tư song phương.
“Để hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương bền vững thì cần chú trọng tới việc hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động phòng ngừa, quản lý rủi ro hợp đồng, xử lý hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư để thúc đẩy các giao thương và đầu tư giữa hai phía; và trọng tài thương mại quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới.
Trọng tài thương mại quốc tế là một cơ chế tư, lập nên bởi chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phục vụ các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch có bản chất hợp đồng. Trọng tài quốc tế có vai trò trung lập, thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại không cần thông qua các thủ tục dân sự tại các tòa án quốc gia, thủ tục trọng tài thương mại có tính chất bảo mật, hiệu quả về thời gian và chi phí; có khả năng thi hành toàn cầu theo cơ chế của Công ước New York 1958” - Chủ tịch VIAC chia sẻ.
TS. Vũ Tiến Lộc cũng gửi lời cảm ơn tới CIETAC đã hợp tác với VIAC trong sự kiện lần này. Đây cũng là lần đầu tiên hai tổ chức trọng tài tầm quốc gia của Việt Nam và Trung Quốc đồng tổ chức hội thảo để cùng mang tới cho các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư về những thông tin thực tiễn của hoạt động giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thông qua phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Sau lần hợp tác này, VIAC rất mong muốn trong tương lai hai tổ chức có thể ký thỏa thuận hợp tác với nhau để từ đó hai bên có thể hỗ trợ và đồng hành cùng nhau trong nhiều sự kiện hơn nữa.
Đại diện Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Trung Quốc (CIETAC), ông Wang Chengjie – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chia sẻ về một số quan điểm từ những thực tiễn giải quyết tranh chấp của CIETAC. Trước hết, ông nhấn mạnh về quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam cũng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong hoạt động kinh tế, thương mại bên cạnh những hoạt động giao thương thường sẽ đi kèm với tranh chấp. Đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại xuyên biên giới việc xảy ra tranh chấp lại càng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về những tình huống rủi ro trong các vụ tranh chấp tại CIETAC cũng như trình bày về những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Cuối cùng, ông bày tỏ mong muốn hợp tác với VIAC nhiều hơn nữa trong tương lai để có thể đóng góp cho nền kinh tế và xã hội cũng như đóng góp cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tại Hội thảo, các diễn giả, khách mời đã cùng chia sẻ và thảo luận về khuôn khổ pháp lý, hoạt động giải quyết tranh chấp, thực tiễn trọng tài tại Việt Nam và Trung Quốc; thách thức trong đầu tư xuyên biên giới và chiến lược ứng phó.