Một công ty của Trung Quốc đề xuất xây dựng nhà máy thủy điện tích năng 500MW tại Quảng Trị

Trí Đảm

28/01/2024 15:44

Vừa qua, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) và đối tác là Công ty lưới điện Phương Nam (Trung Quốc; CSGI) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện tại huyện Hướng Hoá.

Theo đó, hai doanh nghiệp nói trên đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị làm dự án thuỷ điện tích năng có công suất 500MW.

Thông tin ban đầu, dự án nhà máy thủy điện tích năng Quảng Trị dự kiến xây dựng tại khu vực hồ thủy lợi thủy điện Quảng Trị, thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Dự kiến mất 7 năm để xây dựng dự án, đưa vào vận hành sau năm 2030.

Dự án sử dụng nguồn nước từ hồ chứa thủy lợi thủy điện Quảng Trị phát điện phủ đỉnh, với công suất 500MW lên hệ thống điện quốc gia vào giờ cao điểm, đồng thời bơm nước từ hồ dưới lên hồ trên để tích trữ năng lượng vào giờ thấp điểm, góp phần làm phẳng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện, đặc biệt là khu vực miền nam với số giờ phát điện thiết kế là 7 giờ/ngày.

anh-chup-man-hinh-2024-01-28-luc-154150-1706431324.png
Một nhà máy thuỷ điện ở tỉnh Quảng Trị.

Theo phía các nhà đầu tư, khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng cao cho nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư dự án sẽ tạo ra khối lượng lớn việc làm cho người dân địa phương trong giai đoạn xây dựng dự án cũng như khi vận hành, cải thiện và ổn định đời sống người địa phương.

Ngoài ra, dự án mang lại nguồn thu ngân sách địa phương, tăng tỉ trọng công nghiệp của tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi làm việc giữa các bên, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Thời gian qua, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã triển khai và đi vào hoạt động tại tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Đồng ủng hộ đầu tư nhà máy thủy điện tích năng tại Quảng Trị, đề nghị CSGI phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ khảo sát, nghiên cứu các bước tiếp theo. Quảng Trị cam kết hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi trong quá trình thực hiện dự án.

Thuỷ điện tích năng là gì?

Thủy điện tích năng (Tên tiếng Anh: Pumped hydropower storage - PHS) là nhà máy thủy điện kiểu bơm tích lũy, sử dụng điện năng của các nhà máy điện bị phát non tải trong hệ thống điện vào những giờ thấp điểm phụ tải đêm, duy trì cho chúng phát đủ tải, để bơm nước từ hồ nước thấp lên hồ nước cao. Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ thấp hơn qua các tua bin để phát điện lên lưới.

Trên góc nhìn năng lượng, PHS là mảnh ghép của bức tranh năng lượng tái tạo. Xa hơn, trong xu hướng phát năng lượng tái tạo bền vững, lưu trữ năng lượng là một phần quan trọng để giúp các hệ thống vận hành ổn định, tận dụng tối đa công suất phát. Vì vậy, thủy điện tích năng hiện là phương án hàng đầu cho việc lưu trữ điện. Các nhà máy thủy điện tích năng có thể sử dụng các loại tua bin - máy phát thông thường như các nhà máy thủy điện khác và dùng bơm, đường ống độc lập, hoặc cũng có thể sử loại tua bin thuận nghịch.

Thủy điện tích năng là hình thức tích trữ năng lượng chiếm ưu thế nhất trên lưới điện hiện nay. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nhiều nguồn tài nguyên tái tạo hơn vào lưới điện. PHS có thể được đặc trưng như vòng mở, hoặc kín. PHS vòng mở có mối liên hệ thủy văn liên tục với khối nước tự nhiên. Với PHS vòng kín, các hồ chứa không được kết nối với khối nước bên ngoài.

Trên thế giới hiện nay, có hơn 125 GW công suất PHS đang vận hành trên toàn thế giới, bằng 3% sản lượng điện toàn thế giới và 99% công suất lưu trữ điện của thế giới. Còn theo ấn phẩm năm 2021 có tên Báo cáo Thị trường Thủy điện, PSH hiện chiếm 93% tổng lượng dự trữ năng lượng quy mô công ty ở Hoa Kỳ. Quốc gia này hiện có 43 nhà máy PHS và có tiềm năng bổ sung đủ các nhà máy PHS mới để tăng hơn gấp đôi công suất PHS hiện tại.

Cụ thể, Argentina có 1 nhà máy, Úc (4), Áo (9), Bỉ (2) Bungary (6), Canada (1), Trung Quốc (2), Croatia (3), CH Séc (3), Pháp (7), Đức (10), Ấn Độ (6), Iran (1), Ireland (1), Ý (4), Nhật (15), Litva (1), Luxemburg (1). Riêng Na Uy có nhiều trạm thủy điện lớn, một số nơi không phát điện năng mà là hệ thống bơm nước lên hồ chứa để từ đó phục vụ các trạm thủy điện với số lượng là 15 cơ sở.

Tiếp theo Philipin có 1, Ba Lan (6), Bồ Đào Nha (50), Nga (3), Serbia (1), Slovakia (4), Slovenia (1), Nam Phi (4), Tây Ban Nha (8), Thụy Điển (1), Thụy Sỹ (10), Đài Loan (2), Ukraine (4), Anh (4).

Trí Đảm