Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em bao gồm: Quyết định số 1437/QĐ-TTg, Quyết định số 1438/QĐ-TTg, Quyết định số 1863/QĐ-TTg, Quyết định số 588/QĐ-TTg, Quyết định số 55a/QĐ-TTg.
Tham dự hội nghị có hơn 160 đại biểu của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, hiệp hội, chuyên gia và đại diện của 45 tỉnh, thành phố. Có gần 30 tham luận, báo cáo được trình bày, trao đổi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện con người bắt đầu từ phát triển toàn diện trẻ em, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em từ sớm, từ xa; gắn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em với giải quyết kịp thời các vấn đề về trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các đề án, kế hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn phát triển và hội nhập mới của đất nước”.
Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em cho hay, trên 50% trẻ em, học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, khoảng 75% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em.
100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; 75% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Đặc biệt, khoảng 40% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; 60% các tỉnh, thành phố thành lập Phòng điều tra thân thiện với trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Cục Trẻ em cho biết, công tác phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, mới chỉ có 50% trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực học đường. Một số chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở một số nơi hiệu quả chưa cao. Việc cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có thời điểm bị gián đoạn.
Một số văn bản hướng dẫn chưa cụ thể và chậm được rà soát, bổ sung, sửa đổi gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện nhiệm vụ; ngân sách hàng năm của các tỉnh, thành phố phân bổ cho cấp huyện và cấp xã không có hoặc rất thấp, chủ yếu là giao nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, báo cáo, tham luận của các tỉnh Quảng Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Yên Bái, Nghệ An, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn đánh giá mức độ quan tâm, trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp được Thủ tướng giao trong các quyết định và trong các kế hoạch triển khai do các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thông qua.
Các giải pháp của HĐND, UBND, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp thực hiện các quyết định được tập trung thảo luận; đặc biệt việc ban hành các Nghị quyết của HĐND, quyết định, kế hoạch của UBND về phân bổ ngân sách địa phương, bố trí hợp lý nhân lực để triển khai công tác phát triển toàn diện trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em tại địa phương, cơ sở cần được phổ biến, nhân rộng.
Sau Hội nghị, các Bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục áp dụng các kinh nghiệm, giải pháp, mô hình hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.