Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, tạm giam 2 đối tượng Quách Văn Hải (SN 1992) và Trịnh Hải Nam (SN 2002) đều ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của Hải và Nam là mua những loại hoa lan bình thường rồi giả làm lan đột biến để bán, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của bị hại.
Được biết, trong thời gian từ cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua bán cây hoa lan đột biến gen.
Theo đó, các đối tượng từ tỉnh ngoài đến địa bàn thành phố thuê nhà dựng giàn, vườn trồng cây hoa lan rồi lập tài khoản trên các trang mạng xã hội rồi tham gia vào các hội, nhóm như: Hội hoa lan 5 cánh trắng Phú Thọ, Hội hồng Yên Thủy, Hiển Oanh, Hội chơi lan quý, lan đột biến... với hàng trăm nghìn thành viên theo dõi để từ đó quảng cáo các hình ảnh, clip, video giới thiệu về các cây hoa lan đột biến gen với những người sưu tầm, chơi và đầu tư kinh doanh cây hoa lan đột biến gen liên hệ, gặp gỡ...
Từ đây, các đối tượng sẽ thổi giá, quảng cáo cây hòng lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua bằng cách bán cây hoa lan đột biến gen giả. Sau khi giao dịch, mua bán thành công và nhận được tiền, các đối tượng khóa tài khoản, chặn số điện thoại liên lạc và bỏ đi khỏi địa điểm thuê nhà.
Phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, phòng Cảnh sát hình sự CA Hà Nội đã mở chyên án để điều tra. Qua đó đã xác định được ổ nhóm các đối tượng thường xuyên đến các vườn trồng cây hoa lan trên địa bàn, trong đó, nhóm đối tượng 6 tên gồm : Quách Văn Hải (SN 1992), Đỗ Văn Chung (SN 1987), Nguyễn Anh Thái (SN 1997), Trịnh Hải Nam (SN 2002), Trần Hữu Sỹ (SN 1987), Trần Thắng Xuất (SN 1992) đều đăng ký thường trú tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là những đối tượng hoạt động tích cực nhất.
Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận đều sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình - là địa phương có nhiều người trồng và buôn bán các loại cây hoa Lan, trong đó có cả cây hoa lan đột biến gen. Do vậy, các đối tượng đều có kiến thức và am hiểu về một số loại cây hoa lan nên đã rắp tâm thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách sử dụng và tạo tài khoản trên mạng xã hội để liên hệ với những người có sở thích sưu tầm, chơi và kinh doanh cây hoa lan đột biến gen.
Trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, các đối tượng đã lừa bán 38 cây lan đột biến gen giả cho 7 bị hại và chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đang truy bắt các đối tượng còn lại trong chuyên án, xử lý nghiêm trước pháp luật.