Thị trường trái phiếu Chính phủ: 12 năm huy động hơn 2,47 triệu tỷ đồng

Yến Nhi

24/09/2021 11:16

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho NSNN. Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho ngân sách nhà nước để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Nhìn lại 12 năm trước, ngày 24/9/2009, Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu ban hành kèm theo Quyết định 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho thị trường trái phiếu Việt Nam, đó là phát triển thị trường trái phiếu ổn định, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
 

 

Đồ thị: Quy mô phát hành và lãi suất TPCP (2009-2021)
Sau 12 năm hoạt động và phát triển, thị trường cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu của của Chính phủ.
 

Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho Ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020, và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020. Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỉ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Qua 12 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước (NSNN) hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021).
 

 

Đồ thị: Quy mô và thanh khoản thị trường TPCP (2009-2021)
Kỳ hạn phát hành của TPCP ngày càng tăng. Kỳ hạn phát hành bình quân đã tăng từ 2-3 năm năm 2009 lên 12,2 năm năm 2021, thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tổng dư nợ thị trường TPCP tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021.
 
Để phát triển thị trường trong những năm tới, HNX sẽ bám sát các quan điểm phát triển của TTCK trong giai đoạn mới với định hướng phát triển cả về quy mô và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến cũng như tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Yến Nhi