Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019, doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu 36,2 triệu tấm pin mặt trời với giá trị 844,8 triệu USD, tăng hơn 244% so với năm 2018. Trong năm 2020, lượng nhập khẩu tăng gấp 3 lần, lên 114,6 triệu tấm pin, tương tương 2,4 tỷ USD, tăng 185% so với năm 2019.
Cách đây chưa lâu, nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về sản lượng điện mặt trời. Trong năm 2020, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và Trung về số lượng tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt. Tuy nhiên, có một điều trái khoáy là, 99% tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại các công trình ở Việt Nam được nhập khẩu hoặc mua từ nhà sản xuất Trung Quốc.
Hiện trạng các nhà sản pin mặt trời tại Việt Nam
Hiện tại, có khoảng 7 đến 8 nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta có thể kể đến là Fist Solar, HT Solar, Vina Solar, Trina Solar, JA Solar, Canadian Solar, IREX Solar (thuộc SolarBK)…
Đi sâu tìm hiểu, thì HT Solar do Haitech Holding Co Limited, UK Sun Chance Ltd và 1 nhà đầu tư cá nhân quốc tịch Trung Quốc thành lập, đặt trụ sở tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải – Hải Phòng. Doanh nghiệp này có tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD.
Còn Vina Solar là đự án của công ty TNHH Vina Solar Technology Việt Nam, do công ty Năng lượng mới Ningbo Yize làm chủ đầu tư. Năm 2020, Tập đoàn LONGi mua lại Vina Solar từ Ningbo Yize với giá 253 triệu USD. LONGi cũng là một công ty đến từ Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Tây An.
Trina Solar (Vietnam) Sience & Technology là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, của Tập đoàn Trina Solar Trung Quốc. Vốn đầu tư dự án này khoảng 100 triệu USD. Tập đoàn này hiện có 7 nhà máy đặt tại Bắc Giang chuyên sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể, xuất khẩu đến khắp các châu lục trên thế giới.
Tiếp theo, dự án JA Solar do JA Solar Group đến từ Trung Quốc đầu tư, với số vốn công bố khoảng 1 tỷ USD, đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Quang Châu – Bắc Giang.
Phần Canadian Solar, đây là dự án Tập đoàn Canadian Solar – đến từ Canada, nhưng ông chủ là người Trung Quốc, tên Shawn Qu. Ông tên Shawn Qu hiện vẫn giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Thế nên, trong tất cả, chỉ mỗi Fist Solar và IREX Solar không liên quan gì đến Trung Quốc.
Hành trình gập ghềnh của First Solar
Đầu năm 2011, First Solar được cấp phép đầu tư dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD tại khu công nghiệp Đông Nam của TP. HCM. Ngay sau khi nhận giấy phép, First Solar đã khởi công dự án, nhưng chỉ vài tháng sau đã tuyên bố dừng đầu tư vì lý do mất cân bằng về cung cầu tấm pin năng lượng mặt trời trên thế giới.
First Solar đã ủy quyền cho Cushman & Wakefield rao bán cơ sở vật chất tại Việt Nam, trong đó có tổng cộng 113.000m2 nhà xưởng và văn phòng.
Mặc dù giá trị tài sản của First Solar là rất lớn, nhưng vẫn có một vài nhà đầu tư đến hỏi mua, thậm chí một nhà đầu tư sản xuất pin mặt trời đến từ Trung Quốc đã đồng ý với giá mà công ty đưa ra, nhưng vì công nghệ khác biệt nên cuối cùng thương vụ đã thất bại.
Bẵng đi một thời gian, giữa năm 2017, First Solar tuyên bố quay trở lại Việt Nam, cũng đột ngột như lúc họ ra đi. Sau khi có quyết định, First Solar nhanh chóng truyền thông với rất nhiều phương thức khác nhau để thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài của mình với Việt Nam, sẽ không có chuyện bỏ dở giữa chừng như cách đây 6 năm.
Đầu tiên là tuyên bố tăng cường đầu tư thêm 360 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ hai, nâng tổng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam lên con số 830 triệu USD. Tiếp theo là tuyển nhân công ồ ạt trong năm 2018, dự kiến số lao động để hai nhà máy sản xuất hết công suất sẽ vào khoảng gần 1.000 người.
Lúc đó, ông Mike Koralewski - Phó Chủ tịch cấp cao, Khối sản xuất toàn cầu của First Solar, chia sẻ rằng có rất nhiều nguyên do khiến công ty quyết định 'nối lại tình xưa' với Việt Nam.
Thứ nhất là nhu cầu năng lượng mặt trời ngày càng mở rộng và thị trường pin mặt trời sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai. Tiếp đến là môi trường kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi, kỹ năng người lao động địa phương đáp ứng được nhu cầu sản xuất của công ty, môi trường chính trị ổn định, xã hội an ninh trật tự.
Cuối cùng là chuỗi giá trị cung ứng phù hợp, thuận lợi cho sự phát triển dài lâu của First Solar và nhu cầu công nghệ cao trong khu vực cũng ngày càng nâng cao.
Vì sao SolarBK cô đơn như vậy?
IREX Solar là một thành viên của Tập đoàn năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK). Tập đoàn này thành lập năm 2006, khởi đầu từ một dự án nghiên cứu về năng lượng tái tạo của 2 nhóm chuyên gia từ trường Đại học Cơ điện Thái Nguyên và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chủ tịch hiện của SolarBK Group là bà Dương Thị Thành Lương, có hơn 40 năm kinh nghiệm và là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng sạch ngay từ thập niên 70 – 80. Solar BK cũng chính là doanh nghiệp đã thực hiện dự án lớn quan trọng cho Việt Nam, như Hệ thống chiếu sáng tại quần đảo Trường Sa, dự án Hệ thống lọc nước biển bằng năng lượng sạch trên đảo Song Tử Tây.
Chia sẻ trên Thanh Niên, bà Nguyễn Thùy Ngân – Giám đốc truyền thông của SolarBK cho biết: họ hiện là doanh nghiệp nội địa duy nhất có sản xuất pin năng lượng mặt trời và chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần tại Việt Nam.
“Hàng làm trong nước đang gặp cạnh tranh rất lớn từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Chính phù của chúng ta mới có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư đầu tư vào các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng lại không có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Vì thế, thị trường nội địa có giá hàng tỷ USD từ lâu đã nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc”, bà Nguyễn Thùy Ngân giải thích cụ thể.