Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu giai đoạn chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản (BĐS) với nền tảng chính sách đồng bộ hơn. Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực, tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thị trường vẫn đối diện nhiều thách thức, trong đó có sự chồng chéo trong quy định pháp lý, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và lãi suất ngân hàng. Việc thị trường vận hành hiệu quả trong chu kỳ mới đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phát triển dự án và nhà đầu tư.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2024, dù nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng tích cực, thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi, song doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thách thức. Cụ thể, năm 2024, có 233.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng 14,7%, lên 197.900 doanh nghiệp. Riêng tháng 1/2025 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 33.400, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui đạt 58.300, tăng 8,1%.
Bước sang năm 2025, thị trường BĐS đang ở điểm phục hồi với nhiều triển vọng đi kèm thách thức. Trong bối cảnh đầy biến động, việc hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chính sách linh hoạt và sự đồng hành của doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một kỷ nguyên phát triển vượt bậc. “Tôi cho rằng, khi đối mặt với không gian cơ hội mới, những rủi ro có thể xảy ra đối với doanh nghiệp BĐS rất cần được xem xét thận trọng. Có lẽ, chúng ta còn nhiều việc phải bàn để thị trường BĐS tạo đà vươn lên” - PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ.

Tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Điều này được thể hiện qua một số yếu tố: Thứ nhất, GDP hoạt động kinh doanh BĐS năm 2024 tăng 3,34% so với năm 2023 và ngành xây dựng cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng 7,78% vào năm 2024.
Thứ hai, nguồn cung nhà ở thương mại mới cũng tăng lên trong giai đoạn 2021 - 2024. Thị trường BĐS du lịch – nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng condotel đã có những tín hiệu tích cực. Với đất nền, lượng giao dịch vừa qua rất tích cực và phục hồi tốt hơn nhiều so với giai đoạn 2021.
Số lượng khu công nghiệp trên cả nước đã tăng từ 397 khu công nghiệp vào năm 2021 lên 431 khu công nghiệp. Trong đó, số lượng khu công nghiệp đang hoạt động chiếm 71%, tương đương 301 khu công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp cũng có xu hướng tăng.

Tuy nhiên thách thức là lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS niêm yết giảm 1,5%; cổ phiếu giảm 1,9% chủ yếu do chi phí tăng mạnh 3,2%. Chi phí ở đây có thể bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, nợ vay…
Do vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường BĐS còn tồn tại những vướng mắc. Nổi bật là hiện tại giá nhà ở tăng cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, tính tiền sử dụng đất vướng mắc tại nhiều địa phương và dự án. Theo đó, một số địa phương chưa công bố Bảng giá đất mới; khi công bố thì công tác truyền thông chưa thực sự tốt dẫn đến có những phản ứng trái chiều; việc ban hành văn bản hướng dẫn các Luật mới, Nghị quyết mới còn chậm.
Còn vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân đối với dự án quy mô nhỏ và vừa. M&A còn khó khăn do chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đấu giá tiền sử dụng đất còn bất cập (giá khởi điểm, năng lực các bên tham gia đấu giá, chế tài...). Cách làm nhà ở xã hội còn có bất cập, nguồn vốn cho nhà ở xã hội vẫn cần được quan tâm.
Theo đó, tại Diễn đàn, các diễn giả đã phân tích những xu hướng mới, nhận diện cơ hội trong chu kỳ tăng trưởng tiếp theo và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, tạo nguồn cung mới cho thị trường.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ Vinh danh tôn vinh Top 10 thương hiệu, sản phẩm dẫn đầu thị trường BĐS năm 2024 - 2025 với các hạng mục: Nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam năm 2024; Doanh nghiệp BĐS triển vọng nhất năm 2025; Ngân hàng cho vay BĐS minh bạch và bền vững nhất năm 2024; Dự án BĐS nhà ở thương mại chất lượng nhất năm 2024; Dự án BĐS nhà ở thương mại tiềm năng nhất năm 2025; Khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2024; Dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2025; Nhà phát triển BĐS khu công nghiệp tốt nhất năm 2024; Nhà phát triển nhà ở xã hội hàng đầu Việt Nam…